Nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh đầu tư tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong các hạng mục đầu tư, có chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ nhằm phát huy thế mạnh về du lịch của Tây Bắc, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, tạo sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh trong vùng.
Tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc đến 31/12/2014 ước đạt 147.255 tỷ đồng, tăng 14,45% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỷ trọng khoảng 3,72% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP cũng đạt mức cao. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ tín dụng chính sách thực hiện trong khu vực ước đến 31/12/2014 đạt 26.515 tỷ đồng, tăng 1.764 tỷ đồng so với năm 2013, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng là 7%.
Ngoài ra, năm 2014, các NHTM đã tài trợ an sinh xã hội cho khu vực Tây Bắc là 333 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề khó khăn là nhiều dự án trong vùng cần vốn đầu tư dài hạn, thậm chí hơn 10 năm, trong khi các ngân hàng chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngắn hạn hoặc trung hạn.
Có cùng quan điểm, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng thừa nhận, Tây Bắc vẫn là khu vực khó khăn trong việc hút vốn đầu tư do gặp nhiều bất lợi về cơ sở hạ tầng (kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thu tốn kém chi phí cao).
Cùng với đó, một điểm yếu khác là khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nhân lực đủ chất lượng. Do đó, qua khảo sát có những đặc điểm để phát triển, nhưng nếu không có chính sách đặc thù cùng các giải pháp đồng bộ, thì khu vực này vẫn mãi chỉ là dạng “tiềm năng”, các dự án đầu tư trong khu vực phần nhiều vẫn nhỏ lẻ, thiếu quy mô lan tỏa.
Không giới hạn tăng trưởng tín dụng khu vực
Về tín dụng khu vực Tây Bắc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, mặc dù các đối tượng cho vay chủ yếu là khu vực nông thôn, kinh doanh hộ gia đình, nhỏ lẻ, nhưng mức nợ xấu khu vực Tây Bắc năm 2014 là 2.127 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,44% tổng dư nợ. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức nợ xấu nói chung của cả nước, thể hiện chất lượng tín dụng khu vực này khá tốt.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tỷ lệ nợ xấu không địa phương nào trong khu vực lên tới 1% tổng dư nợ.
Do đó, thời gian tới NHNN cũng sẽ tiếp tục cho vay đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, nông nghiệp, hỗ trợ kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài ra phát triển các dự án dịch vụ, du lịch, tạo tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế vùng. Tuy các dự án vẫn phải khả thi, nhưng ngân hàng không yêu cầu “mức độ hiệu quả” như các dự án khu vực miền xuôi.
Về công tác xúc tiến đầu tư giai đoạn tới, ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Các địa phương Tây Bắc đã và đang tích cực hợp tác với các nhà đầu tư, các DN trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực như: Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp; đầu tư khai thác và chế biến sâu khoáng sản để thu giá trị lớn; phát triển du lịch; ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, các tuyến cao tốc, đường vành đai…
Đại diện một địa phương trong khu vực Tây Bắc, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng mong muốn có thêm các chính sách ưu đãi đầu tư cho khu vực, cũng như có thêm được các nguồn vốn tín dụng giá rẻ hơn mặt bằng chung.
Tỉnh Sơn La cũng cam kết cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng cường tính năng động và minh bạch, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư vào địa phương.
Huy Thắng