In bài viết

DN được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi nào?

(Chinhphu.vn) - Công ty Sản xuất Phanh Nissin Việt Nam là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất và lắp ráp hệ thống phanh xe máy, xe ô tô. Hiện tại, Công ty ký kết hợp đồng lao động với 1 công nhân, thời hạn 36 tháng. Tuy nhiên, công nhân này bị mắc bệnh động kinh và đã 4 lần bị ngất tại nơi làm việc.

24/05/2019 07:02

Công ty đã nhiều lần vận động nghỉ việc nhưng công nhân này không nghỉ mặc dù đã biết rõ tình trạng bệnh của mình. Hiện Công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp này.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty hỏi, Công ty căn cứ vào đâu để có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với trường hợp này?

Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 và Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp gồm:

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động quy định cụ thể trong quy chế của doanh nghiệp.

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng theo quy định của pháp luật mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn.

Đề nghị Công ty Sản xuất Phanh Nissin Việt Nam đối chiếu tình huống cụ thể tại doanh nghiệp với các quy định nêu trên để có phương án giải quyết phù hợp.

Chinhphu.vn