In bài viết

DN được nhận kết quả ngay khi khai báo trực tuyến

(Chinhphu.vn) – Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng, các quy định về cấp phép, khai báo đối với hóa chất xuất khẩu, nhập khẩu tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước khi thự

17/03/2018 09:45
Đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP là doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng doanh nghiệp sử dụng hóa chất thì không nhắc đến.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định không rõ mặt hàng phải áp dụng thủ tục xin giấy phép xuất nhập khẩu và khai báo hóa chất nên có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu các thành phẩm phục vụ tiêu dùng hay kinh doanh như mỹ phẩm, kem đánh răng, bình ắc quy, mực in, dưa chuột muối..., không phải hóa chất riêng biệt nhưng có thành phần hóa chất thuộc diện phải xin giấy phép hay khai báo hóa chất thì đều phải đi xin các loại giấy tờ này từ Bộ Công Thương, mặc dù hàm lượng các chất này trong sản phẩm rất thấp và không phải nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm đó.

Nghị định số 113/2017/NĐ-CP cũng không quy định rõ cách thức xác định hàm lượng hóa chất phải xin giấy phép xuất nhập khẩu hay khai báo hóa chất như thế nào mà chỉ dựa vào hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp, hoặc cơ quan hải quan phải giám định để xác định thành phần và hàm lượng.

Theo phản ánh của báo hải quan, một số Chi cục Hải quan đang yêu cầu doanh nghiệp phải giám định lô hàng nhập khẩu để xác định rõ thành phần, hàm lượng có đúng khai báo không mới cho thông quan, làm tăng thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp vì trong thời gian chờ kết quả giám định thì hàng hóa phải lưu kho tại cửa khẩu.

Một bất cập khác của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP là làm gia tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp so với trước đây. Theo Thông tư 06/2015/TT-BCT thì hóa chất mua bán, trao đổi trong lãnh thổ Việt Nam (bao gồm mua bán giữa nội địa với khu phi thuế quan, mua hàng của đối tác nước ngoài nhưng đối tác chỉ định nhận hàng từ người khác tại Việt Nam, gọi tắt là xuất nhập khẩu tại chỗ) được miễn thủ tục khai báo hóa chất, nhưng Nghị định số 113/2017/NĐ-CP không miễn thủ tục này cho doanh nghiệp.

Do đó, hiện nay tất cả các lô hàng hóa chất xuất nhập khẩu tại chỗ đều phải làm thủ tục khai báo hóa chất song việc khai báo này đang xảy ra vướng mắc vì hệ thống một cửa quốc gia dùng để thực hiện thủ tục khai báo hóa chất trực tuyến không có danh mục cửa khẩu xuất/nhập đối với loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ nên doanh nghiệp không khai báo được.

Khi doanh nghiệp liên hệ tới hotline của Cục Hóa chất - Bộ Công Thương thì lại được hướng dẫn không cần khai báo hóa chất cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ mà vẫn thực hiện theo quy định cũ.

Từ những bất cập trên, ông Hưng kiến nghị sửa đổi Nghị định số 113/2017/NĐ-CP theo hướng làm rõ doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất về để sử dụng (không sản xuất, kinh doanh) thì có thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định không?

Đồng thời, bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu, khai báo hóa chất cho hàng hóa xuất nhập khẩu là các thành phẩm có mã số hàng hóa (HS) không thuộc danh mục quy định tại các phụ lục của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, kể cả mặt hàng đó có thành phần là các loại hóa chất nằm trong các danh mục trên; bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu và khai báo hóa chất cho hàng hóa thuộc loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật hải quan.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:

Đã quy định rõ mặt hàng phải làm thủ tục khai báo hóa chất

Điều 2 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất đã quy định về đối tượng áp dụng: “Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cũng thuộc đối tượng quy định của Nghị định này.

Tại Mục b, Khoản 2, Điều 17 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP đã đưa ra các điều kiện kiểm soát hóa chất hạn chế: “tổ chức, cá nhân mua hóa chất để sử dụng phải bảo đảm đủ các yêu cầu quy định tại Chương V của Luật Hóa chất”.

Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất đã được quy định chi tiết tại Chương V Luật Hóa chất. Trong đó, quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác (Điều 30); quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác (Điều 31); quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cho mục đích tiêu dùng (Điều 32); sử dụng hóa chất cho thí nghiệm, nghiên cứu khoa học (Điều 33); cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm trong sử dụng (Điều 34); xử lý chất bị thải bỏ trong sử dụng (Điều 35).

Tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP đã ban hành các danh mục hóa chất: Phụ lục I: Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; Phụ lục II: Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; Phụ lục III: Danh mục hóa chất cấm; Phụ lục IV Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; Phụ lục V: Danh mục hóa chất phải khai báo.

Các danh mục đều nêu rõ các hóa chất với tên tiếng Việt, tên tiếng Anh, mã CAS, công thức hóa học và mã HS. Do đó, các hóa chất phải thực hiện các thủ tục liên quan đã rõ ràng.

Đối với tiền chất công nghiệp, Danh mục tiền chất được quy định tại Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 9/12/2015 của Chính phủ.

Đối với các hóa chất phải thực hiện thủ tục khai báo hóa chất đã được quy định tại Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP: “Hóa chất phải khai báo bao gồm các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo và các hỗn hợp chứa các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này là hóa chất nguy hiểm trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định tại Điều 28 Nghị định này”.

Căn cứ quy định trên, thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu đối với hỗn hợp hóa chất chứa thành phần phải khai báo không dựa trên tiêu chí hàm lượng % thành phần đó mà dựa trên phân loại hỗn hợp hóa chất theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Các thông tin về phân loại và thành phần của hỗn hợp hóa chất đã có sẵn trong phiếu an toàn hóa chất (Material Safety Data Sheet) do nhà sản xuất cung cấp.

Đối với tiền chất công nghiệp, tại Nghị định 82/2013/NĐ-CP chưa quy định nồng độ hàm lượng tiền chất có trong các hỗn hợp hóa chất gây khó khăn trong việc quản lý các loại hóa chất có chứa tiền chất với hàm lượng, nồng độ rất nhỏ vẫn phải thực hiện xin cấp giấy phép xuất, nhập khẩu.

Do đó, cần quy định nồng độ hàm lượng các tiền chất cần phải quản lý cấp Giấy phép. Quy định miễn trừ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp tại Khoản 1, Điều 13 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP áp dụng cho các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hóa chất chứa tiền chất công nghiệp nhằm mục tiêu cắt giảm các thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Các trường hợp được miễn trừ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng; hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng nhằm giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Nghị định không làm tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Theo quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP, các đơn vị khai báo hóa chất nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thông tin khai báo sẽ tự động chuyển đến hệ thống của Bộ Công Thương và được phản hồi tự động qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới các tổ chức cá nhân khai báo và cơ quan hải quan.

Như vậy, theo quy định này, thủ tục khai báo hóa chất được thực hiện đơn giản, nhanh gọn, kết quả được phản hồi tự động ngay sau khi tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ, không tốn thời gian đi lại, chờ đợi kết quả (giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 0 ngày làm việc).

Ngoài ra, tại Điều 28 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định “các trường hợp miễn trừ khai báo” đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai báo hóa chất và giảm thiểu chồng chéo giữa các quy định quản lý liên quan.

Thực tế, Cục Hóa chất đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện Nghị định 113/2017/NĐ-CP về thủ tục khai báo hóa chất qua đường công văn, email và điện thoại như: Công ty TNHH Hoya Glass Việt Nam; Công ty TNHH Nokwon C&C; Công ty cổ phần Hóa chất,…

Tại Khoản 3, Điều 8 Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu đã quy định: “Không áp dụng khai báo hóa chất nhập khẩu đối với các tổ chức, cá nhân mua hóa chất trong lãnh thổ Việt Nam”.

Như vậy, các doanh nghiệp mua hóa chất trong lãnh thổ Việt Nam không phải thực hiện thủ tục khai báo hóa chất.

Tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, các danh mục hóa chất chỉ xác định tên chất kèm theo mã số CAS và mã số HS tương ứng với chất ở dạng đơn lập.

Đối với các hỗn hợp hóa chất có nhiều thành phần khác nhau sẽ có đặc tính hóa lý khác nhau và tính chất nguy hiểm khác nhau và mã HS khác nhau.

Việc quản lý hóa chất chủ yếu dựa trên phân loại về mức độ nguy hiểm của hóa chất đó. Hóa chất hoặc hỗn hợp hóa chất nguy hiểm đều phải quản lý.

Vì vậy, quá trình khai báo đối với hỗn hợp hóa chất không dựa trên mã HS để đánh giá mà dựa trên phân loại hóa chất theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Đối với việc mua hóa chất nội địa, tổ chức, cá nhân không phải thực hiện thủ tục khai báo hóa chất theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Thông tư số 32/2017/TT-BCT.

Hiện nay, Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo sửa đổi Nghị định số 58/2003/NĐ-CP đối với việc cấp Giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Công an trong việc xem xét kiến nghị liên quan đến quy định giới hạn hàm lượng hóa chất trong hỗn hợp và cấp Giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp đối với mặt hàng có mã số HS không thuộc danh mục và mặt hàng xuất nhập khẩu tại chỗ trên tinh thần đảm bảo yêu cầu về quản lý ngành và giảm thiểu thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Chinhphu.vn