In bài viết

DN hãy tận dụng thế mạnh đặc thù của cơ quan đại diện ở nước ngoài

(Chinhphu.vn) – Thời gian tới, các DN hãy tận dụng thế mạnh đặc thù của các cơ quan đại diện một cách hiệu quả nhất để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường quốc tế trong tiến trình hội nhập.

10/08/2018 16:03
Quang cảnh cuộc tọa đàm

Đó là đề nghị của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao với đại diện các DN tại cuộc tọa đàm tổ chức sáng 10/8 giữa 90 Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam với đại diện nhiều doanh nghiệp (DN).

Cuộc tọa đàm là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Phiên thảo luận trực tiếp trong chương trình giữa các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và DN là cơ hội  để hai bên cùng đề xuất và thảo luận một số cơ chế phối hợp và hỗ trợ DN, đồng thời xây dựng mạng lưới quan hệ với các DN Việt đang vươn ra thế giới.

DN Việt có nhiều cơ hội

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết, hiện nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang rất tốt đẹp, tạo cơ hội tăng cường quan hệ, kết nối giữa doanh nghiệp hai nước.

Thị trường Nhật Bản có tiềm năng lớn nhưng rất khắt khe. Đối với mặt hàng nông sản, Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, phải mất thời gian đàm phán ít nhất 5 năm. Tuy nhiên, khi được nước bạn chấp nhận, doanh nghiệp có xâm nhập vào thị trường được hay không cũng là vấn đề lớn.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết, nhiệm vụ của Đại sứ quán là rà soát kỹ quá trình đưa nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản. Nếu công ty nào làm ăn không tốt, Đại sứ quán sẽ báo cáo cơ quan chức năng trong nước xử lý để không ảnh hưởng đến các công ty khác. Tới đây, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thì đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi phần lớn hàng nông sản vào Nhật Bản chỉ bị áp thuế 0%.

Nhấn mạnh về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cho biết, nước Đức là thị trường rất lớn. Thương mại hai chiều hiện nay đạt trên dưới 10 tỷ USD nhưng chưa xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên. Rất nhiều người Đức yêu quý Việt Nam, họ coi Việt Nam như một điểm sáng của châu Á. Đặc trưng của Đức là một liên bang, nghĩa là từng bang quyết định hướng phát triển của mình. Vì vậy, cơ quan đại diện Việt Nam ở Đức cố gắng đặt mục tiêu đi tới các bang, giới thiệu cho từng bang, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Đoàn Xuân Hưng cho rằng, phía Đức rất háo hức với thị trường của ta và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Bên cạnh đó, chúng ta có nhiều hiệp định thương mại tự do, có Cộng đồng ASEAN… nên có nhiều cơ hội để DN Đức đến với Việt Nam.

Duy trì môi trường thuận lợi

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc nêu rõ mục tiêu là duy trì môi trường thuận lợi để phát triển quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ thương mại, đầu tư. Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ nỗ lực để quan hệ hai nước theo chiều hướng đi lên, chủ động kết nối, để chính quyền mới của Hoa Kỳ thấy Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam quan trọng với Hoa Kỳ.

Nhằm nỗ lực hỗ trợ các DN tăng cường hợp tác, đầu tư, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cho biết, các DN hàng đầu Việt Nam đều đang có chỗ đứng nhất định tại Campuchia. Campuchia là địa bàn nhỏ nhưng có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn. Campuchia cũng là thị trường mà Việt Nam đạt giá trị xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở Campuchia hiện nay gồm 1 Đại sứ quán và 2 Tổng Lãnh sự quán, giữ vai trò cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, kết nối doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, kinh doanh tại Campuchia.

Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đang giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng: Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp; giúp giải quyết tranh chấp trên cơ sở pháp luật khi có tranh chấp xảy ra; đồng hành cùng doanh nghiệp bảo vệ danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp. Hiện tại, Đại sứ quán đã mở đường dây liên lạc 24/24h, xây dựng trang mạng xuất khẩu vào Campuchia và kết nối với các DN thông qua các đầu mối.

Đánh giá cao vai trò của ngành ngoại giao đối với sự thành công của DN, ông Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk khẳng định, trong quá trình phát triển của Tập đoàn từ khi thành lập đến thành công hôm nay đều có dấu ấn sâu đậm của ngành ngoại giao Việt Nam. Khi tìm hiểu để tìm ra công nghệ nào tốt nhất và phù hợp với Việt Nam, ngành ngoại giao đã giúp Tập đoàn tiếp cận, tìm hiểu công nghệ của Isarel, tìm ra đối tác tin cậy. Đó là thành công đầu tiên.

Theo ông Ngô Minh Hải, hiện nay đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn khoảng 2,7 tỷ USD, tiêu biểu là dự án đang triển khai tại Nga. Trong thành công này, không thể không nhắc tới vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow (Liên bang Nga). Thông qua sự giúp đỡ của Đại sứ quán, Tập đoàn đã được tiếp xúc và tìm kiếm những cơ hội đầu tư với các đối tác. Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển và đưa thương hiệu ra các thị trường như Campuchia, Philippines, Trung Quốc, Myanmar…

Hỗ trợ DN đạt được giá trị gia tăng lớn nhất

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá những câu chuyện thực tế và chia sẻ của các đại biểu cho thấy, từ nhiều thập kỷ qua, ngành ngoại giao đã đồng hành với người dân, DN.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định, những ý tưởng, đề xuất của các chuyên gia kinh tế, đại diện DN không chỉ làm rõ thêm những mong mỏi của các DN đối với ngành Ngoại giao nói chung, các cơ quan đại diện nói riêng, mà còn giúp Bộ Ngoại giao điều chỉnh, cải tiến và làm tốt hơn công tác ngoại giao kinh tế.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị, thời gian tới các DN hãy tận dụng thế mạnh đặc thù của các cơ quan đại diện một cách hiệu quả nhất. Với nguồn lực có hạn, các cơ quan đại diện mong muốn mang đến sự hỗ trợ đạt được “giá trị gia tăng lớn nhất” cho DN.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc hiểu rõ thế giới, nắm vững tiềm năng hợp tác, sâu sát địa bàn sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch thâm nhập thị trường hiệu quả. Cùng với đó, các cơ quan đại diện cần hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến và kết nối nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ chủ quản, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện, hiệp hội ngành hàng và các DN hoạt động trong lĩnh vực đó.

Thời gian tới, các cán bộ ngoại giao, dù ở cương vị nào, ở trong nước hay tại cơ quan đại diện cũng sẽ kịp thời trong tham mưu, nhanh nhạy trong hành động, đồng bộ trong triển khai nhằm đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp Việt phát triển và hội nhập quốc tế.

Ngành ngoại giao nói chung, Trưởng các cơ quan đại diện nói riêng sẽ thực sự thành “đại sứ” của hàng hóa, dịch vụ và con người Việt Nam; hỗ trợ, chia sẻ theo hướng nơi đâu có cơ quan đại diện của Việt Nam, nơi đó doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ./.

(nguồn: TTXVN/Báo Thế giới&Việt Nam)