Hội thảo kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Ông Từ Minh Thiện, Phó Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, hiện nay, đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD như gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, rau quả, sắn, tôm, cá tra, lâm sản. Tuy nhiên đặc điểm chung của các loại nông sản này là chủ yếu xuất khẩu thô, do đó mang lại giá trị xuất khẩu chưa cao, khó tiếp cận được những thị trường “khó tính”.
Hiện nay, các Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn còn bộc lộ nhiều yếu điểm và chưa phát huy được vai trò của mình trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Chính vì vậy, thông qua buổi kết nối này, ông Thiện mong muốn Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM có thể hợp tác đầu tư với các DN Nhật Bản trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo, sản xuất giống, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý, bảo quản và chế biến nông sản.
Theo đó, khi tham gia hợp tác, các DN Nhật Bản sẽ được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi như lãi suất được hỗ trợ từ mức 60-100%. Các DN phát triển sản xuất theo VietGap được hỗ trợ từ 30-50% giá trị đầu tư mô hình ban đầu, ngoài ra còn nhiều ưu đãi như miễn giảm tiền thuế đất, thời gian thuê đất tối đa 50 năm.
Về phía tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh Đồng Nai chủ trương thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, cụ thể như dự án Khu liên hợp Công-Nông nghiệp Agropark gồm các dự án nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ phục vụ nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện chuỗi giá trị khép kín nhằm cung cấp cho thị trường nội địa và Nhật Bản các sản phẩm có giá trị cao.
Ông Kosaburo Shimose, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, để ngành nông lâm thủy sản Việt Nam phát triển toàn diện thì vấn đề là phải xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm gồm các khâu từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến, lưu thông, tiêu thụ...
Hiện nay, hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nhật”, thực hiện trong 5 năm (2015-2019) với mục đích giải quyết những vấn đề trọng tâm mang tính dài hạn của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, để thúc đẩy đầu tư của các DN tư nhân Nhật Bản vào Việt Nam, chính quyền địa phương cần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện các dự án liên kết công tư (Dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai đầu tư ra nước ngoài của JICA), tạo điều kiện thuân lợi để DN nông nghiệp có quỹ đất sạch, quy mô rộng nhằm phát triển theo hướng công nghiệp.
Đại diện cho các DN Nhật Bản, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho biết, trong chuyến khảo sát của 32 DN Nhật Bản tại một số tỉnh, thành phố có thế mạnh về phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong đầu tháng 12 này, các DN bày tỏ mong muốn được hợp tác với các DN Việt Nam thông qua việc cung cấp các máy móc, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, nghiên cứu sản xuất các giống mới, cho năng suất cao. Đồng thời, một số DN cũng có tính đến việc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sau khi có những khảo sát cụ thể.
Lê Anh