Theo thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay có khoảng 938 DN tham gia xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á- Âu; trong đó có khoảng 200 DN có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…
Để đón đầu những thành quả do Hiệp định mang lại, nhiều DN Việt Nam đã rất nỗ lực chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu tiềm năng này, từ việc đàm phán các hợp đồng tới tăng cường tiếp cận thị trường.
Ông Đinh Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ladoza cho biết, ngoài thị trường Ấn Độ mà Công ty đang nhập các nguyên liệu da, máy móc thiết bị với thuế suất hiện tại là 0%, đơn vị đang tìm kiếm các đối tác và tiến hành xuất khẩu sang thị trường EAEU với các sản phẩm ba lô, túi xách. Cùng với đó, công ty cũng đang thiết kế khoảng 20 sản phẩm mới để đưa sang các thị trường thuộc Liên minh trong năm 2017.
Còn ông Vũ Huy Thủ, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đại Dương Xanh, một DN chuyên xuất khẩu thủy sản chia sẻ, trong số những mặt hàng tiềm năng và chủ lực của Việt Nam thì thủy sản là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này. Trước đó, mức thuế của mặt hàng thủy sản vào khoảng 35%, nay giảm về 0%.
Lợi thế này tạo thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam vươn lên phát triển mạnh và có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác. Đây là một cơ hội lớn và hy vọng tạo bước đột phá mạnh mẽ cho các DN thủy sản, đặc biệt là ngành thủy sản chế biến.
Mới đây, giám đốc một công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu quế, hồi chia sẻ, công ty của ông tiết kiệm được 7-8% chi phí thuế nhờ FTA này. Công ty hiện đang hoạt động hết công suất để chuẩn bị lô hàng xuất khẩu sang thị trường EAEU ngay sau khi FTA có hiệu lực. Đầu tư thiết kế lại bao bì, vỏ hộp, gắn thêm nhãn tiếng bản địa, đăng ký thêm chức năng xuất khẩu… là sự chuẩn bị của công ty này cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 20-30%/năm trong những năm tới.
Anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH DACE chuyên về xuất khẩu nông sản, cho biết ngay khi FTA này được ký kết vào giữa năm ngoái, đơn vị đã chủ động tìm kiếm đối tác bạn hàng tại Liên bang Nga và các nước thuộc EAEU. Sắp tới, Công ty sẽ xuất khẩu một số mặt hàng như gừng, tinh bột nghệ, rau củ sang thị trường này và trước mắt là thâm nhập vào hệ thống chợ, siêu thị của người Việt ở Nga.
Dù không được hưởng lợi trực tiếp từ Hiệp định, bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Công ty Trà Chính Sơn cho biết DN đã chuyển hướng xuất khẩu chè đặc sản, chè thành phẩm. Với FTA này, chỉ cần làm thủ tục hải quan 1 lần nhưng hàng hóa vẫn có thể lưu thông tại 5 nước thuộc Liên minh, bà Thi nói và cho biết Công ty sẽ xây dựng cơ sở sản xuất tại nước bạn trong thời gian tới.
Thông tin từ Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, hiện có 41 DN trên địa bàn đang sang Nga để tham gia hội chợ “Saigon Expo” từ ngày 6-14/10 tại Thủ đô Moscow nhằm giới thiệu hàng hóa và dịch vụ, chủ yếu trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, lương thực thực phẩm.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10, sau khi được ký kết vào ngày 29/5/2015. Đây là thỏa thuận quốc tế đầu tiên và cho tới nay là duy nhất về các điều kiện thương mại ưu tiên được Liên minh này ký kết với bên thứ ba. |