In bài viết

DN Việt kinh doanh đi đôi với làm tốt công tác xã hội tại Campuchia

(Chinhphu.vn) - Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC), doanh nghiệp Việt Nam tại đất nước chùa tháp đã không ngừng phát triển mạnh mẽ về quy mô và có sự ảnh hưởng tích cực.

08/11/2022 10:21
DN Việt kinh doanh đi đôi với làm tốt công tác xã hội tại Campuchia - Ảnh 1.

Angkormilk trao 1.000 thùng sữa cho đại diện chính quyền Phnom Penh để hỗ trợ cho người dân và trẻ em tại các “vùng đỏ” trong những ngày bị cách ly, phong tỏa

Ông Nguyễn Thanh Dũng cho biết, có nhiều DN Việt phát triển mạnh, có sự ảnh hưởng trên thị trường tại Campuchia, như Công ty Cao su thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Tharico thuộc Tập đoàn Trường Hải; Công ty Metfone thuộc Tập đoàn Viettel; Công ty Angkor Milk thuộc Vinamilk, VietnamAirlines... cùng các ngân hàng mạnh của Việt Nam như BIDV, Agribank, MB Bank, Sacombank, SHB và rất nhiều DN vừa và nhỏ khác.

Hiện nay, vị thế và tiềm lực phát triển của các DN Việt Nam và DN Khmer gốc Việt tại Campuchia là tương đối lớn, với 203 dự án, tổng vốn đăng ký trên 2,93 tỷ USD. Đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của 203 dự án này đã tăng cao hơn so với tổng vốn đăng ký; mang tầm cỡ quốc tế, đang phát triển vượt bậc, đứng đầu tại thị trường Campuchia; tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người dân đất nước chùa tháp.

Đặc biệt, các DN Việt Nam và DN do người Khmer gốc Việt làm chủ tại Campuchia đã phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đẩy mạnh nhiều chương trình và tạo hàng chục nghìn việc làm, tăng thu nhập cho bà con Việt kiều và người nghèo Campuchia ở các dự án nông nghiệp, hỗ trợ Chính phủ Campuchia giảm bớt đói nghèo ở các vùng nông thôn xa xôi.

Bên cạnh đó, các công ty viễn thông như Metfone đã hỗ trợ kết nối internet, wifi giúp Chính phủ, các bộ, ngành Campuchia trong chỉ đạo điều hành, học trực tuyến và hỗ trợ các DN kết nối hoạt động kinh doanh thông suốt.

Trong giai đoạn khó khăn nhất, 5 ngân hàng Việt Nam đã chia sẻ, tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất giúp các DN tiếp tục ổn định, phát triển.

DN Việt kinh doanh đi đôi với làm tốt công tác xã hội tại Campuchia - Ảnh 2.

Mạng Metfone của Viettel đầu tư đang dẫn đầu thị trường viễn thông tại Campuchia

Điều mà các DN Việt Nam luôn tự hào là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Chính phủ Campuchia, góp phần quan trọng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế hằng năm của Vương quốc Campuchia.

Bên cạnh tạo ra lợi nhuận, các DN đã đóng góp hơn 120 triệu USD cho an sinh xã hội tại Campuchia.

Ông Nguyễn Thanh Dũng cho hay, trong gần 3 năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 vô cùng khắc nghiệt, dù gặp vô vàn khó khăn nhưng các DN luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ hai nước. Toàn thể cán bộ, nhân viên của các DN được tiêm vaccine miễn phí giúp các DN được an toàn về con người, tài sản và hoạt động kinh doanh ổn định. Việc DN vận hành ổn định góp phần quan trọng để đưa kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam – Campuchia tăng trưởng với tốc độ cao trong những năm qua. 

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Campuchia là một trong các địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất của Việt Nam. Campuchia là địa bàn lớn thứ 2 trong số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của DN Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.

Ở chiều ngược lại, Campuchia hiện có 28 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt trên 70 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, vận tải kho bãi, thương mại. Các DN Campuchia được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Về thương mại, theo Bộ Công Thương, hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc. Việt Nam hiện là một trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Năm 2021, tổng kinh ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 9,54 tỷ USD (tăng 79,1% so với năm 2020), 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021) và nhiều khả năng sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD ngay trong năm 2022, hai bên đã dần đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua với những mặt hàng chủ lực như hạt điều, cao su...

Để hiện thực tốt chủ trương và quyết tâm tăng cường đầu tư, thương mại giữa hai nước, đại diện cộng đồng DN Việt tại Campuchia đề đạt một số kiến nghị đối với Chính phủ Campuchia và Việt Nam.

Đối với Chính phủ Campuchia, các DN kỳ vọng tiếp tục ban hành các chính sách, quy định cụ thể, rõ ràng về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu... để các DN thực hiện đúng và thuận lợi trong hoạt động kinh doanh; tạo nguồn thu ổn định, lâu dài cho ngân sách. Cần có chính sách ưu đãi cho đầu tư vào các lĩnh vực được khuyến khích; các khu vực có nhu cầu phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân Campuchia.

Đối với Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Dũng đề nghị, cần có thêm chủ trương, chính sách ưu đãi, đặc thù cho DN đầu tư sang Campuchia, đặc biệt là đối với các ngành, dự án có ý nghĩa trong quan hệ hai nước. Trao đổi và làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Campuchia để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tốt hơn cho các DN Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia khi các DN đề xuất, kiến nghị.

"Nếu được Chính phủ hai nước quan tâm, giải quyết những khó khăn kịp thời, các DN xin hứa sẽ cố gắng phát triển thành công hơn nữa trong thời gian tới", ông Nguyễn Thanh Dũng nói.

Huy Thắng