In bài viết

Độ sâu chôn mốc giới tối thiểu 100cm

(Chinhphu.vn) – Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 15/2010/TT-BXD quy định về lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị, áp dụng từ ngày 12/10/2010.

17/09/2010 14:54

 3 loại mốc giới sẽ được chôn ngoài thực địa với độ sâu tối thiểu là 100cm- Ảnh minh họa

Theo Thông tư, có 3 loại mốc giới cần cắm ngoài thực địa gồm mốc tim đường, mốc chỉ giới đường đỏ và mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng. Bộ Xây dựng yêu cầu các mốc giới này sẽ được chôn ngoài thực địa với độ sâu tối thiểu là 100cm.

Khoảng cách giữa các mốc giới từ 30m trở lên

Khoảng cách giữa các mốc từ 30m trở lên, tuỳ thuộc vào địa hình địa mạo khu vực cắm mốc, đảm bảo yêu cầu quản lý về ranh giới và cao độ. Trường hợp khoảng cách giữa các mốc giới nhỏ hơn 30m thì phải giải trình trong thuyết minh của hồ sơ cắm mốc giới.

Các cột mốc được sản xuất bằng bê tông cốt thép mác 200, đảm bảo độ bền vững, dễ nhận biết; đế mốc có kích thước 40x40x50 cm; thân mốc dài 90 cm; mặt mốc được gắn tim sứ hoặc tim sắt có khắc chìm ký hiệu và số hiệu mốc.

Mặt cắt ngang mốc tim đường (hình tròn), mốc chỉ giới đường đỏ (hình vuông) và mốc ranh giới các khu vực (hình tam giác đều) đều có đường kính hoặc chiều dài cạnh là 15cm. 

Mốc tim đường là mốc xác định tọa độ và cao độ vị trí các giao điểm và các điểm chuyển hướng của tim đường (ký hiệu TĐ).

Mốc chỉ giới đường đỏ là mốc xác định đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật (CGĐ).

Mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng là mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo, di tích lịch sử, văn hoá và các khu vực cần bảo vệ khác (RG).

Thanh Hoài
(Nguồn: Thông tư 15/2010/TT-BXD)