In bài viết

Đoàn công tác VPCP khảo sát thực tế, nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại tỉnh Nam Định

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, ngày 10/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã đi khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

10/05/2023 16:17
aaa - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn khảo sát thực tế tuyến cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình đoạn qua tỉnh Nam Định - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tổng hợp các vướng mắc, các kiến nghị để báo cáo Thủ tướng

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn đã đi khảo sát thực tế tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định; khảo sát thực tế tuyến cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình đoạn qua tỉnh Nam Định.

Ngay sau đó, tại UBND tỉnh Nam Định, cuộc làm việc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bí thư tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chủ trì đã diễn ra. Tham gia cuộc làm việc còn có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Vụ, cục, đơn vị của VPCP cùng các sở, ngành của tỉnh Nam Định.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, trong quý I/2023, tình hình kinh tế trong nước có nhiều khó khăn, nhiều địa phương có kết quả tăng trưởng thấp.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, công điện để tập trung tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… kết quả của các chỉ đạo sát sao và quyết liệt này đã mang lại nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong tháng 4/2023.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, tuy kết quả tháng 4/2023 có tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các thành viên Chính phủ chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương liên quan trực tiếp đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính... và các vấn đề khác trên địa bàn.

Cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh hôm nay nhằm nắm bắt tình hình, xác định những khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm đang triển khai. Từ đó Đoàn công tác sẽ tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ.

aaa - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn khảo sát thực tế tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định tại vị trí cầu bắc qua sông Hồng nối Nam Định và Thái Bình - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tuyến đường bộ ven biển Nam Định dự kiến hoàn thành trong năm 2023

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, thương mại và dịch vụ 4 tháng đầu năm 2023 phát triển tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2023 tăng 14,1% so với cùng kỳ, 4 tháng đầu năm đạt 22.000 tỷ đồng tăng 13,8% so với cùng kỳ. Đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa thiết yếu; hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra thông suốt, thị trường ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá tốt hơn các tháng cuối năm 2022: Có 78,46% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên và giữ ổn định.

Tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.

aaa - Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn khảo sát thực tế tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định - Ảnh: VGP/Gia Huy

Về tình hình đầu tư xây dựng, tỉnh Nam Định tập trung vào các dự án trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng. Các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh được triển khai phù hợp với quy hoạch, đây là cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm, cũng như thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chấp thuận tổng mặt bằng, phê duyệt quy hoạch chi tiết...

Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục 4 dự án trọng điểm của tỉnh: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2023. Dự án đến nay đã bàn giao mặt bằng phục vụ thi công trên 50 km, đạt 98%, dự kiến trong tháng 5/2023 bàn giao mặt bằng.

Tiếp theo là dự án Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484), tổng mức đầu tư 5.995 tỷ đồng, khởi công ngày 24/12/2022, hiện đang tổ chức thi công. Tổng chiều dài toàn tuyến là 24,7 km

Dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình (Tỉnh lộ 490), tổng mức đầu tư 5.326 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn II trong năm 2025. Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định Thái Bình-Hải Phòng, tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng: Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 23/02/2023. Dự án dự kiến khởi công vào cuối tháng 6/2023.

Tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 26 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích trên 596 ha; trong đó 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích trên 393 ha; tỉ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đạt khoảng 90%.

aaa - Ảnh 4.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch tỉnh Nam Định nêu 9 kiến nghị để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn liên quan đến các nội dung: Phân cấp cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp dưới 300 ha theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề nghị phân cấp cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong việc cấp thủ tục xuất xứ hàng hóa để tạo thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp; đề nghị kéo dài thời gian giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến hết năm 2024; đề nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ có chính sách điều hành tín dụng để tạo điều kiện cho khu vực sản xuất, kinh doanh…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn công tác của VPCP làm việc với tỉnh Nam Định nhằm nắm bắt vướng mắc khó khăn về kinh tế-xã hội, đầu tư công, triển khai các dự án và các kiến nghị của tỉnh để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với thời gian ngắn nhưng Đoàn công tác của VPCP đã đi khảo sát được nhiều công trình trọng điểm của tỉnh, những công trình nhằm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhận định, qua báo cáo của tỉnh Nam Định cho thấy, quý I/2023, tỉnh tăng trưởng tích cực với mức 7,7%, hết tháng 4/2023 tỉnh giải ngân đạt 21,6%; ngành dịch vụ đặc biệt lưu trú nhiều khởi sắc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhận định, Nam Định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, hàng hóa lưu thông thuận lợi, đặc biệt sau khi tỉnh hoàn thiện tuyến cao tốc Nam Định-Thái Bình-Ninh Bình và tuyến đường ven biển sẽ tạo điều kiện phát triển hơn nữa cho địa phương.

Trong thời gian tới, để phát huy tiềm năng, lợi thế và đà tăng trưởng của địa phương đã đạt được trong năm 2022 và quý I/2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung hoàn thiện các tuyến cao tốc trọng điểm trên địa bàn theo đúng tiến độ. Đây là tuyến đường giúp phát triển cho cả Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.

Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh Nam Định tiếp tục quan tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư trên địa bàn.  

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị tỉnh thực hiện nghiêm túc 2 Công điện của Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ: Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương và Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 4/5/2023 chỉ đạo khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. 

Gia Huy