Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi làm việc |
Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: Hiện nay, Hà Nội có 1 nhà xuất bản (NXB) của TP, 44 NXB của các cơ quan Trung ương và trụ sở, chi nhánh của các địa phương; trên 400 cơ sở in sử dụng thiết bị công nghiệp; 2 cơ sở phát hành sách và hàng trăm nhà sách, cơ sở phát hành sách tư nhân. Luật Xuất bản ban hành năm 2004 và sửa đổi, bổ sung năm 2008 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động xuất bản của TP Hà Nội phát triển, góp phần quan trọng vào tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức, văn hóa đọc của người dân và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hiệu quả những lĩnh vực Luật Xuất bản theo quy định và sự phân cấp của Bộ TT&TT. Việc cấp phép các hoạt động trong lĩnh vực xuất bản bảo đảm đúng quy định, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Từ năm 2006 đến nay, TP Hà Nội đã cấp 138 giấy phép hoạt động in, cấp trung bình mỗi năm trên 1000 giấy phép xuất bản phẩm không kinh doanh; xuất nhập khẩu xuất bản phẩm được đẩy mạnh; riêng trong năm 2011, kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng gần 80% so với năm trước. Đối với công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản, được TP Hà Nội duy trì thường xuyên. Trong năm 2011, TP đã tiến hành 15 cuộc thanh tra đối với các đơn vị hoạt động in, xuất bản và 12 cuộc thanh tra các đơn vị phát hành xuất bản phẩm, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 273,9 triệu đồng, tịch thu 779 xuất bản phẩm…
Tuy nhiên, một số lĩnh vực trong Luật Xuất bản không được phân cấp cho địa phương nên trong quá trình thực hiện Luật, vai trò quản lý nhà nước của địa phương bị coi nhẹ, chưa có sự phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý hoạt động xuất bản. Ví dụ: việc đăng ký kế hoạch xuất bản, kiểm duyệt và công bố, phổ biến xuất bản phẩm, nộp lưu chiểu không có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước địa phương là Sở Thông tin và Truyền thông, khiến địa phương không đánh giá chính xác được tình hình hoạt động của các NXB trên địa bàn; hoặc việc xuất bản trên mạng Internet chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc vi phạm bản quyền và khó quản lý; kinh phí dành cho thẩm định xuất bản phẩm thấp (10.000 đồng/tài liệu), gây khó khăn cho công tác thẩm định, nhất là các xuất bản phẩm bằng tiếng nước ngoài. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng không được tham gia trong việc thành lập NXB, mô hình, tổ chức và cơ chế quản lý của các NXB trên địa bàn dẫn đến khó thực hiện chức năng quản lý nhà nước; việc chuyển đổi mô hình các NXB sang công ty TNHH Nhà nước một thành viên đã bộc lộ nhiều bất cập, chú trọng nhiều đến lợi ích kinh tế trong khi NXB là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng.
Tại buổi làm việc, TP Hà Nội đã kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Xuất bản, đó là đẩy nhanh tiến độ dự án sửa đổi Luật Xuất bản, sớm ban hành tiêu chuẩn sách Việt Nam để khắc phục tình trạng in và tiêu thụ, phát hành sách in nối bản không đạt chuẩn; tăng cường phân cấp cho địa phương việc nhận, kiểm tra và quản lý xuẩn bản phẩm lưu chiểu của các NXB thuộc địa phương; đẩy mạnh CCHC, tăng cường công tác quản lý, xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm; có những quy định nhằm tăng cường quản lý hoạt động liên kết xuất bản; nghiên cứu mô hình hoạt động của các NXB cho phù hợp; tạo điều kiện cho các cơ sở in có thể thuê đất tại các khu công nghiệp, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; nâng mức phí thẩm định xuất bản phẩm phù hợp với thực tế…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi tập trung nhiều cơ quan, đơn vị in, xuất bản phẩm nên khối lượng công việc quản lý nhà nước về xuất bản trên địa bàn rất lớn. Tuy nhiên, do còn có sự bất cập trong các quy định của Trung ương, cùng với chưa được phân cấp nên hạn chế sự chủ động trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Phó Chủ tịch đề nghị trong thời gian tới, Quốc hội, Bộ TT&TT tăng cường phân cấp, phân quyền cho TP, để TP thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản.
Kết luận buổi làm việc, ông Trịnh Ngọc Thạch, Trưởng đoàn Giám sát đánh giá cao những kết quả trong việc thi hành Luật Xuất bản của TP Hà Nội trong thời gian vừa qua, đồng thời đề nghị Thành phố Hà Nội cần cụ thể hóa hơn những lĩnh vực còn gặp khó khăn, kèm theo những giải pháp để tháo gỡ. Đoàn ghi nhận những kiến nghị của Thành phố Hà Nội để sẽ chuyển lên Quốc hội, các cơ quan liên quan để xem xét, giải quyết.
Trọng Toàn