In bài viết

Doanh nghiệp bao bì Việt Nam và nỗi lo thiếu nguồn cung nguyên liệu

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, việc thiếu thốn nguồn cung màng bao bì (BOPP) ổn định, chi phí thấp, chất lượng tốt đã và đang thực sự gây thêm khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì Việt Nam.

16/07/2020 16:28

Tốc độ tăng trưởng của ngành bao bì Việt Nam luôn đạt con số 15-20%/năm, với bao bì nhựa lên đến 25%. Ảnh minh hoạ

Thuế chống bán phá giá lên tới 43%

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 26/4/2019, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm màng Biaxial Oriented Polypropylene (BOPP) có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Thái Lan và Malaysia từ các công ty đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu).

Cụ thể, hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa và Công ty CP nhựa Youl Chon Vina đã nộp hồ sơ lên Cục Phòng vệ Thương mại về yêu cầu trên. Dựa trên cơ sở này, ngày 5/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra Quyết định 2334/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme propylen thuộc các mã HS 3920.20.10 và 3920.20.91 có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Kết quả của quá trình điều tra là ngày 18/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra Quyết định 880/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức từ 10,91% đến 43,04% đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen, bao gồm màng BOPP, thuộc các mã HS 3920.20.10 và 3920.20.91 có xuất xừ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Ngày 22/6/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên tham vấn công khai đối với vụ việc này. Trong buổi tham vấn, các bên liên quan đã trình bày quan điểm về sắc thuế và các ảnh hưởng.

Dự kiến, ngày 23/7/2020, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nói trên.

Nói về sản phẩm màng BOPP, đây không phải là một sản phẩm để người tiêu dùng cuối cùng sử dụng. Đây là sản phẩm dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều mặt hàng hạ nguồn khác, từ in ấn, tráng, ghép phức hợp làm bóng sản phẩm bằng giấy, bao dệt cho đến bao bì hàng dệt may, thuốc lá, thực phẩm và màng làm băng keo. Hiện nay, loại màng nhiệt này chưa được sản xuất phổ biến tại Việt Nam, vì vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đều phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Với mức tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục, đến thời điểm này ngành bao bì nhựa có quy mô không dưới 1,6 tỷ USD.

Nỗi lo thiếu nguyên liệu thiết yếu

Cần phải khẳng định rằng, cơ quan thụ lý vụ việc này là Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã và đang xử lý vụ việc này đúng quy trình, thủ tục trên cơ sở bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với chính sách thuế chống bán phá giá hiện đang áp dụng cho sản phẩm màng BOPP như hiện nay dẫn đến chi phí thành phẩm bao bì tăng lên từ 15-30% (tùy chủng loại sản phẩm). Điều này có thể khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì trong nước rơi vào tình trạng “điêu đứng” vì thiếu hụt nguồn cung, hoặc phải đối mặt với việc gia tăng chi phí sản xuất nghiêm trọng.

Công ty Casablanca - một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước sản xuất túi siêu thị xuất khẩu làm từ vải PP dệt và PP không dệt – là một ví dụ điển hình.

Các sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp bao gồm nhiều loại bao bì được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như EU, Mỹ, Canada, Australia, Nhật... với công suất trung bình khoảng 700 container/tháng. Để bảo đảm được lượng hàng xuất khẩu như trên, mỗi tháng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng khoảng 600-700 tấn màng BOPP nhiệt. 

Trong bối cảnh không dễ tìm kiếm nguồn cung màng BOPP thay thế tại Việt Nam, Casablanca rơi vào tình trạng bị thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nguyên liệu đầu vào và không thể chủ động trong việc tính toán các đơn hàng xuất khẩu cho khách hàng quốc tế. Công ty buộc phải cho nhà máy nghỉ 3 ngày một tuần, trong khi trước đây nhà máy luôn hoạt động hết công suất 7 ngày một tuần không nghỉ. Gần 2.700 nhân viên trực tiếp và 12.000 lao động gián tiếp của Casablanca đang đứng trước nguy cơ mất việc làm do sản lượng sụt giảm. 

Đại diện Casablanca bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền cân nhắc cẩn trọng chính sách liên quan để vừa bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, vừa bảo đảm lợi ích và sự phát triển cân đối giữa các ngành sản xuất nội địa.

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành bao bì Việt Nam luôn đạt con số 15-20%/năm, với bao bì nhựa lên đến 25%.  Điều này được lý giải là do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng chai và dược phẩm ngày càng tăng cao, dẫn đến việc gia tăng các sản phẩm bao bì. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, ngành bao bì đang hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Theo số liệu của StoxPlus, năm 2016, quy mô thị trường bao bì nhựa tại Việt Nam là khoảng 953 triệu USD.  Ước tính, với mức tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục, đến thời điểm này ngành bao bì nhựa có quy mô không dưới 1,6 tỷ USD.

Phan Trang