Các doanh nghiệp phân bón cho rằng đang chịu thiệt hại vì những quy định trong Luật 71- Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (gọi tắt Luật 71), từ 1/1/2015 phân bón từ mặt hàng chịu thuế VAT 5% được chuyển thành đối tượng không chịu VAT.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), cho biết có sự khác nhau giữa mức thuế VAT 0% và không phải chịu thuế VAT.
Nông dân không được hưởng lợi, doanh nghiệp gặp khó
Một khi nằm trong danh mục chịu thuế VAT (0% hay 5%), doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thuế nên phải kê khai thuế VAT đầu ra và được hoàn thuế VAT đầu vào. Nếu thuế VAT giảm từ 5% xuống 0%, doanh nghiệp có thể giảm giá bán phân bón tới tay người dân khoảng 5%.
Thực tế, nông dân đang phải mua phân bón giá cao do chính sách thuế hiện hành không cho doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ VAT các mặt hàng đầu vào không có tên “phân bón”, như: nhà xưởng, công nghệ, nguyên liệu quặng, khí, than, giao thông và dịch vụ khác... để sản xuất ra phân bón.
Và vì thế, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không còn cách nào khác buộc phải cộng thuế VAT vào chi phí giá thành làm ra phân bón cho các mặt hàng đầu vào này.
Theo ông Đỗ Doãn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, với mức bình quân khoảng 6,5-7% thuế VAT không được khấu trừ, doanh nghiệp buộc phải đẩy vào giá thành, giá phân bị đẩy cao hơn và nông dân phải gánh chịu. Vì thế, việc giảm 5% thuế VAT cho nông dân chỉ có ý nghĩa hình thức.
Riêng với Đạm Hà Bắc, tác động của Luật 71 cũng như việc phân bón nhập khẩu gia tăng khiến doanh nghiệp này giảm 30-40% công suất, giá bán urê giảm 20%. Tính cả năm 2015 và nửa đầu năm 2016, Đạm Hà Bắc thiệt hại gần 900 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do Luật 71 là 15%.
Giá phân bón tăng, phân bón ngoại tràn vào?
Ông Dương Trí Hội, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), cũng cho biết thuế VAT các nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất phân bón là 10% nên phần chênh lệch do không được khấu trừ doanh nghiệp phải chịu. Để bù lại chi phí này, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán. Riêng PVFCCo, chi phí tăng thêm do chính sách này mỗi năm khoảng 400 tỉ đồng.
Ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao cho biết, sản lượng mỗi năm của công ty tới 1,3 triệu tấn. Ước tính sản lượng năm nay giảm 20% so với năm ngoái, lợi nhuận không còn, do tác động của Luật 71.
Theo FAV, khi thực hiện Luật số 71 thì giá thành các loại phân bón bình quân tăng cao hơn trước khi thực hiện. Thống kê của Hiệp hội này cho thấy, phân đạm (ure) tăng 7-7,6%, phân DAP tăng 7,3-7,8 %, phân lân nung chảy tăng 7,8-8%, phân supe lân tăng 6,5-6,8%, phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6,1%. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang xây dựng mới, đổi mới, nâng cấp công nghệ bình quân giá thành còn tăng 9-10%.
Việc bỏ 5% thuế VAT của Luật 71 đã khiến phân bón nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh. Năm 2015 (năm Luật 71 bắt đầu có hiệu lực), cả nước nhập khẩu trên 650.000 tấn urê, tăng hơn 3 lần so với năm 2014. Còn 7 tháng đầu năm 2016, lượng urê nhập về khoảng 500 nghìn tấn, tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Bộ Tài chính nói gì?
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết sản xuất phân bón của Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước, thậm chí thời gian tới còn dư thừa để xuất khẩu.
Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm do không được hoàn thuế VAT đầu vào, các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, ngành phân bón trong nước đang cần những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước để ổn định sản xuất và phát triển. Trong khi chờ các chính sách hỗ trợ khác, cơ quan chức năng cần sớm đưa phân bón về danh mục chịu thuế VAT bằng 0% hoặc giữ nguyên như trước là 5%.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết về thuế VAT với phân bón, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính giải thích cho các bộ ngành 2 lần.
Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp về sửa đổi Luật 71, vì hiện doanh nghiệp không được khấu trừ đầu vào sản xuất, nên có thể đẩy giá thành sản xuất phân bón cao lên, ông Thi cho rằng, luật do Quốc hội quy định và “cái này có lợi cho người dân”. “Doanh nghiệp không được khấu trừ, nhưng tổng thể cuối cùng là người nông dân được lợi”- ông Thi nói.
Ông Thi cũng cho rằng, không thể một hai doanh nghiệp đầu tư sai công nghệ, chi phí tài chính... lại đi đề nghị nhà nước giảm thuế. “Cái này chúng tôi đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương”, ông Thi nói.
Thanh Hằng