![]() |
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra giám sát. |
Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra nhiều yêu cầu về cải thiện, tạo thuận lợi cho DN, trong đó có việc cải thiện thời gian thông quan.
Báo cáo của 34 cục hải quan tỉnh, thành phố tại hội nghị sơ kết triển khai VNACCS/VCIS vừa qua cho biết, tất cả các đơn vị hải quan đều đánh giá cao hiệu quả của Hệ thống VNACCS/VCIS.
Theo phản hồi từ cộng đồng DN, VNACCS giúp tăng tính chính xác khi khai báo; hỗ trợ người khai hải quan tối đa trong khâu khai báo như: Tự động bổ sung thuế suất, tỉ giá tính thuế, tự động tính toán trị giá tính thuế, số thuế phải nộp, tự động cảnh báo với những tiêu chí khai chưa chính xác... qua đó giúp người khai hải quan có thể khai báo chính xác hơn, tránh sai sót khi khai tờ khai.
Tại hội nghị tham vấn DN nhằm đánh giá 18 tháng triển khai VNACCS do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 3/11, đại diện Công ty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam đánh giá, kể từ khi áp dụng VNACCS/VCIS, Công ty đã có thêm rất nhiều thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan.
Theo đó, việc khai báo và nhận kết quả đối với mỗi tờ khai chỉ còn 15 giây, thay vì 2 phút như trước đây. Với số lượng tờ khai hằng tháng rất lớn, nên tính ra số thời gian mà Công ty giảm được lên đến 6.213 phút/tháng (tương đương giảm được hơn 100 giờ).
Không chỉ nhanh chóng trong việc nhận được kết quả phân luồng, số tờ khai, những thay đổi của Tổng cục Hải quan trong quy trình in, xuất trình tờ khai cho cơ quan hải quan cũng được đơn giản hóa hơn, giúp DN cắt giảm được thời gian làm thủ tục hải quan trung bình khoảng 3 giờ/lô hàng so với trước đây.
Theo tính toán của Công ty Brother Việt Nam, những tiện ích như trên của VNACCS/VCIS đã giúp Công ty tiết kiệm được 12.660 USD/tháng.
Tuy nhiên, qua khảo sát của Tổng cục Hải quan với 500 DN về VNACCS, mặc dù có tới 95% DN rất hài lòng và hài lòng về hệ thống này, nhưng vẫn còn 5% DN có phản hồi không tốt.
Theo các DN chưa hài lòng, tuy VNACCS/VCIS rất hiện đại và chuyên nghiệp, nhưng do mức độ khai thác các chức năng mới được khoảng 50%, nên nhiều công đoạn quản lý không thể thực hiện trực tiếp trên Hệ thống, mà phải thực hiện ở các hệ thống vệ tinh.
Điều này dẫn đến việc trao đổi thông tin với DN, việc thực hiện các thủ tục hải quan đôi lúc không thông suốt do bị ảnh hưởng bởi tốc độ và mức độ ổn định khi trao đổi thông tin giữa các hệ thống hải quan.
Mặt khác, do DN chỉ nhận được kết quả cuối cùng, nên không đánh giá được kết quả đó là do VNACCS, hay các hệ thống vệ tinh gặp sự cố, làm cho việc đánh giá hiệu quả sử dụng Hệ thống bị sai lệch.
Cũng theo kết quả khảo sát, các lý do khiến DN chưa hài lòng với VNACCS là các tiêu chí khai báo trên tờ khai gặp nhiều hạn chế, không phản ánh đúng thông tin cần khai báo như: Giới hạn số lượng ký tự tại các chỉ tiêu số lượng, trị giá...; một tờ khai chỉ cho phép khai báo 50 dòng hàng, dẫn đến lô hàng lớn phải khai nhiều tờ khai.
Việc khai báo số container nhập khẩu phải khai báo 2 lần, Hệ thống không thể tự kết nối từ file HYS sang Hệ thống cấp mã vạch; việc liên hệ với bộ phận hỗ trợ thường phải chờ khá lâu... gây trở ngại cho việc thực hiện thủ tục hải quan của DN.
Khẩn trương khắc phục lỗi
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, hầu hết các ý kiến chưa hài lòng về Hệ thống VNACCS đều xoay quanh việc phản hồi mã vạch của danh sách container còn chậm; việc khai báo nhiều khi bị lỗi…
Các phản ánh nêu trên chính là hạn chế của Hệ thống VNACCS. Tổng cục Hải quan ghi nhận để nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Nhận thức được các hạn chế của VNACCS/VCIS nảy sinh trong quá trình triển khai, Tổng cục Hải quan đã kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý tạm thời như hướng dẫn khai báo, xây dựng thêm các chức năng bổ trợ trên các chương trình vệ tinh... Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên chỉ hỗ trợ phần nào, chứ không thể giải quyết triệt để các vấn đề còn thiếu sót.
Đại diện ngành hải quan cũng cho biết, với sự hỗ trợ của JICA, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt dự án “Nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS” (Dự án VNACCS/VCIS giai đoạn II).
Một trong những mục tiêu của dự án là tìm giải pháp nâng cao hiệu quả các chức năng chưa được sử dụng, tập hợp các kiến nghị để xây dựng phương án sửa đổi, nâng cấp VNACCS/VCIS nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng Hệ thống.
Dự án giai đoạn II đã được khởi động từ tháng 8/2015 và dự kiến kết thúc vào tháng 6/2018.
Về phía mình, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, đưa vào sử dụng các cấu phần chưa thực hiện của VNACCS/VCIS bao gồm: Cấu phần một cửa quốc gia (National SW), cấu phần bản lược khai hàng hóa (e-Manifest); cấu phần quản lý hàng đi và đến cửa khẩu (Arrival Departure).
Việc triển khai các cấu phần này sẽ làm giảm thời gian thông quan và quản lý chặt chẽ hơn thời điểm thông báo kết quả phân luồng nhằm đảm bảo quản lý hải quan.
Ngành hải quan sẽ hiệu chỉnh những chức năng khai báo để phù hợp với thực tế và tăng tính tiện ích (tương ứng với phân tích ở phần trên). Đồng thời, xây dựng bổ sung các chức năng mà VNACCS/VCIS chưa có, đang phải sử dụng hệ thống vệ tinh để thực hiện như chức năng giám sát...
Trường hợp không thể bổ sung các chức năng trên VNACCS/VCIS thì phải đảm bảo việc trao đổi thông tin giữa các hệ thống là thông suốt.
Đại diện Tổng cục Hải quan đề nghị DN phối hợp thường xuyên để cơ quan hải quan có thể đánh giá chính xác các yêu cầu của DN đối với VNACCS, đồng thời có thể phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đẩy nhanh thời gian thông quan.
Ông Âu Anh Tuấn khẳng định, quá trình đánh giá giúp Tổng cục Hải quan thu thập và ghi nhận các ý kiến phản hồi đánh giá kết quả thực hiện sau 18 tháng thực hiện VNACCS, cũng như đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện chất lượng hệ thống thông quan này.
Huy Thắng