Hiện cả nước hiện có 13 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Các DN đầu mối nhập khẩu về cung cấp xăng dầu cho 2 hệ thống: một là hệ thống kinh doanh của mình, hai là cung cấp cho tổng đại lý, sau đó tổng đại lý sẽ phân phối cho các đại lý để bán hàng tới người tiêu dùng. Vì vậy “đường đi” của xăng dầu phải qua nhiều khâu. Theo ông Lê Xuân Trình- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil): Nguồn nhập khẩu, hay nguồn xăng dầu từ Dung Quất được kiểm soát rất chặt chẽ nên khó xảy ra việc nhập xăng dầu kém chất lượng. Đối với khâu tồn chứa tại các đầu mối, việc quản lý cũng rất nghiêm ngặt, có các bộ phận kiểm tra kỹ càng, như khi nhập phải lấy mẫu xăng dầu, khi xuất cũng lấy mẫu, trong quá trình bảo quản phải thường xuyên kiểm tra định kỳ. Khâu thứ 3 là vận chuyển xăng dầu từ kho đến các đơn vị tiêu thụ thuộc hệ thống trực thuộc các đầu mối hoặc các tổng đại lý, đại lý cũng đảm bảo, khi xuất hoặc nhập liên tục lấy mẫu đối chiếu. Tuy nhiên, hiện nay các đại lý đòi tự đến kho nhận hàng nên DN đầu mối không thể chịu trách nhiệm khi xăng dầu đã ra khỏi kho.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Kiên- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cho rằng: Quản lý chất lượng xăng dầu đang là vấn đề nóng, tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận hết sức bình tĩnh, phải có đủ căn cứ dựa trên kết luận của các cơ quan khoa học, không nên tạo dư luận quá lo ngại trong xã hội. Về bản chất, hiện nay, chất lượng xăng dầu vẫn được Nhà nước quản lý. Không phải gần đây mà nhiều năm qua, các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này, ở một mức độ nào đó thì mặt hàng này được kiểm soát khá tốt với nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, những vi phạm về chất lượng xăng dầu được phát hiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là ở hệ thống các đại lý.
Ông Kiên cho biết: Hiện nay cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó các cửa hàng trong hệ thống của các DN đầu mối chỉ trên 3.000 (chiếm 25-30%), còn lại là cửa hàng đại lý, tổng đại lý chiếm khoảng 75%. Vì thế phải khẳng định, hệ thống cửa hàng đại lý không thể thiếu và phải được vận hành, vấn đề đặt ra là quản lý hệ thống này như thế nào.
Hầu hết các ý kiến của các DN đầu mối đều cho rằng, mặc dù theo Thông tư 36/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 1 thương nhân đầu mối và thương nhân là đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 1 thương nhân đầu mối hoặc cho 1 thương nhân là tổng đại lý, nhưng thực tế một ông chủ có thể lập ra vài công ty làm đại lý hoặc tổng đại lý để lấy xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi, DN đầu mối khi phát hiện sai phạm chỉ có quyền cắt hợp đồng. Mà nếu đầu mối này xử lý cắt hợp đồng thì đại lý vi phạm lại chạy qua đầu mối khác. Vì vậy việc quản lý chất lượng xăng dầu tại hệ thống tổng đại lý, đại lý rất khó kiểm soát.
Chi phí định mức thấp nảy sinh gian lận?
Để tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu tại hệ thống đại lý của mình, vừa qua PV Oil đãlập kế hoạch kiểm tra chất lượng xăng dầu tại các bể chứa của các đại lý. Theo đó, PV Oil đã gấp rút xây dựng một phòng thí nghiệm, thay vì chỉ lấy mẫu một lần duy nhất, tới đây PV OIL có thể sẽ lấy mẫu của bất kỳ đại lý nào và vào bất kỳ thời điểm nào. Saigon Petro cũng tiến hành lắp thiết bị định vị, giám sát hành trình của xe chở xăng dầu.
Nhưng theo ông Lê Xuân Trình, để tăng cường quản lý chất lượng xăng dầu tại hệ thống đại lý, cần nghiêm túc thực hiện quy định của Nghị định 84: 1 tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với 1 thương nhân đầu mối và 1 đại lý chỉ được ký với 1 đầu mối hoặc với 1 tổng đại lý. Cần làm rõ trách nhiệm của DN đầu mối đến đâu và quản lý như thế nào để đáp ứng được nguyện vọng của người tiêu dùng. Còn khâu nào vi phạm thì phải xử lý nghiêm khâu đó.
Đại diện của Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Thành Lễ và Nam Việt Oil cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu gia tăng trong thời gian gần đây là kinh doanh xăng dầu lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận vì thù lao thấp nên một số đại lý đã nảy sinh gian lận thương mại qua việc mua lại nguồn xăng dầu trôi nổi hoặc các hóa chất với giá rẻ để pha trộn vào xăng dầu.
Vì thế, các DN kiến nghị nâng chi phí định mức kinh doanh từ 600 đồng lên 850- 900 đồng/lít. “Là DN mới tham gia thị trường, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì lợi nhuận kinh doanh rất thấp. Nếu chi phí là 600 đồng/lít chỉ bằng 3% giá bán, trong khi lãi suất ngân hàng tới trên 20%, biến động ngoại tệ 1%, chi phí khác như lương, khấu hao, điện, nước… thì DN kinh doanh xăng dầu rất khó duy trì hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân căn cơ, gốc rễ đối với chất lượng xăng dầu. Chúng tôi đề nghị, ít nhất chi phí kinh doanh cũng phải bằng lãi suất ngân hàng”- đại diện Nam Việt Oil đề nghị.
Doanh nghiệp đầu mối không thể chối bỏ trách nhiệm
Qua các ý kiến của các DN đầu mối, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương- đánh giá: Phần lớn DN khẳng định chất lượng xăng dầu thuộc hệ thống trực thuộc DN đầu mối về cơ bản là ổn. Theo số liệu của Bộ Khoa học- công nghệ, tính riêng năm 2011, qua kiểm tra 594 lô hàng xăng dầu nhập khẩu được kiểm tra chỉ có khoảng 1% có vấn đề về chất lượng, trong đó 4 lô là được tái chế để sử dụng, chỉ có 1 lô là phải tái xuất. Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu từ các nguồn nhập khẩu, từ Dung Quất đến các DN đầu mối đến tổng đại lý về cơ bản là không có vấn đề lo ngại về chất lượng. Vấn đề ở đây là câu chuyện kiểm soát chất lượng xăng dầu đối với tổng đại lý và đại lý.
Ông Võ Văn Quyền đề xuất hai nhóm biện pháp về mặt quản lý nhà nước và trách nhiệm của DN. Theo đó, quản lý nhà nước sẽ xem xét vấn đề điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường, có biện pháp bù lỗ, tăng chi phí, chính sách hoa hồng cho đại lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát… để tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu. Các cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ với DN là nếu vận hành thị trường xăng dầu một cách thông suốt theo cơ chế thị trường và các yếu tố thị trường được phản ánh đầy đủ thì gian lận có điều kiện để suy giảm. Nhưng, điều đó không có nghĩa thực hiện tốt tất cả những yếu tố trên thì không có gian lận. Vì thế, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải soát xét lại hoạt động kinh doanh của DN, nhất là quá trình phân phối lưu thông xăng dầu. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ xem xét bổ sung các quy định về kiểm tra kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng ghi nhận ý kiến của các DN về việc có thể cho hóa chất hòa tan vào trong xăng dầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sẽ xem xét và bổ sung các quy định để kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng hóa chất pha chế trong xăng dầu.
Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng: “DN đầu mối xăng dầu không chỉ có trách nhiệm chính về chất lượng với hệ thống phân phối cửa hàng, kho, bãi và đại lý trực thuộc mà còn có trách nhiệm liên đới với các tổng đại lý và đại lý có bán hàng của mình. Việc phân định trách nhiệm quy định trong hợp đồng tài chính. DN đầu mối phải có quy trình kiểm tra giám sát tất cả các khâu lưu thông phân phối xăng dầu”, ông Quyền yêu cầu.
Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: Các DN đầu mối phải có trách nhiệm tới cùng về chất lượng xăng dầu, vì trong Điều 28 của Nghị định 84 đã nêu rõ: “Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các quy định hiện hành về quản lý chất lượng xăng dầu trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý. Phải bảo đảm độ chính xác của dụng cụ đo lường xăng dầu bán cho các đối tượng sử dụng; bán đủ số lượng, đúng chất lượng”.
Thứ trưởng yêu cầu các DN đầu mối có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng xăng dầu tại hệ thống đại lý. Doanh nghiệp nào vi phạm, ngoài biện pháp xử lý theo pháp luật sẽ thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.