In bài viết

Doanh nghiệp ĐBSCL: Định hình chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới

(Chinhphu.vn) – Chiều 14/5, tại TP. Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh ĐBSCL tổ chức Hội nghị “Thích ứng trước thách thức thương mại toàn cầu: Cơ hội và hướng đi mới cho doanh nghiệp ĐBSCL”.

14/05/2025 19:50
Doanh nghiệp ĐBSCL: Định hình chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới- Ảnh 1.

Doanh nghiệp vùng ĐBSCL đề nghị được tham vấn và đề xuất chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh - Ảnh: VGP/LS

Nhiều khó khăn, thách thức…

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tấn Thành, Phó Chủ tịch VCCI nêu rõ: Năm 2024, kinh tế khu vực ĐBSCL tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, phần lớn nhờ nỗ lực không ngừng của đội ngũ doanh nghiệp trong vùng. GRDP toàn vùng đạt 7,3%, vượt mức tăng trưởng năm 2023 là 6,6% và cao hơn mức bình quân cả nước là 7,1%. Nhiều tỉnh có mức tăng trưởng ấn tượng, như Trà Vinh (10%), Hậu Giang (8,76%), Long An (8,3%), Kiên Giang (7,5%).

Cơ cấu kinh tế của vùng vẫn đặc trưng bởi tỷ trọng lớn từ khu vực nông – lâm – thủy sản (30,8%), dịch vụ (37,5%), công nghiệp – xây dựng (27,3%).

Đặc biệt, xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 41,9 tỷ USD (tăng 17,45% so với năm 2023). Trong đó, xuất khẩu đạt 28,19 tỷ USD (tăng 15,6%), nhập khẩu 13,76 tỷ USD (tăng 21,3% so với năm 2023). Các tỉnh có tỷ trọng xuất siêu cao gồm Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Khu vực ĐBSCL đóng góp tới 57% tổng giá trị thặng dư từ thương mại quốc tế vào ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, ông Võ Tấn Thành cũng chỉ ra những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp trong khu vực còn trăn trở. Đó là, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn khiêm tốn cả về số lượng dự án lẫn quy mô. Năm 2024, toàn vùng chỉ thu hút được 142 dự án FDI mới, với tổng số vốn đăng kí 628 triệu USD, bằng 4,2% cả nước.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VCCI cũng chỉ rõ, cộng đồng doanh nghiệp trong vùng còn đối diện nhiều khó khăn, dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng 12%, nhưng chỉ bằng 8% tổng số cả nước, vốn đăng ký chỉ chiếm 6,7% toàn quốc.

Theo khảo sát của VCCI khu vực ĐBSCL, phần lớn doanh nghiệp dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, như: 68,8% doanh nghiệp lo ngại về lạm phát và chi phí sản xuất tăng; 57,1% doanh nghiệp dự báo nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm; 54,5% doanh nghiệp cho rằng thị trường xuất khẩu sẽ suy giảm.

"Những con số này là lời cảnh báo nghiêm túc, đòi hỏi chúng ta và cả khu vực công và tư, phải có hành động nhanh chóng, quyết liệt và đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Thành nói.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng thương mại leo thang đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới, gây nguy cơ đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nguy cơ về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng gia tăng.

Trước tình hình đó, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước từ 8% trở lên.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực ĐBSCL có 4.981 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, chiếm 9,6% tổng doanh nghiệp mới đăng kí của cả nước, tổng vốn đăng kí là 39.575 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động.

Phó Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL Nguyễn Thị Thương Linh dự báo về những thách thức trong năm 2025 của VCCI khu vực ĐBSCL khi khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy những khó khăn, như lạm phát và chi phí sản xuất tăng, suy giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhu cầu thị trường quốc tế giảm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, tiếp cận đất đai và tìm địa điểm kinh doanh khó hơn, chất lượng giao thông kém ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và chất lượng hàng hóa, hạn mặn hoặc ngập lụt tác động đến vùng nguyên liệu…

Những vấn đề này đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp, như thuế quan, biến động tỷ giá, chi phí logistics và vận chuyển quốc tế cao, các rào cản phi thuế quan, quy định pháp lý, rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu, thiếu thông tin thị trường và biến động chính trị dẫn đến quyết định của khách hàng.

Do đó, theo VCCI, nhiều doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL đề nghị được tham vấn và đề xuất chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật, cập nhật môi trường kinh doanh, tổ chức hội thảo chuyên đề để kiến nghị chính sách, tăng cường năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua đào tạo, tư vấn…

Doanh nghiệp ĐBSCL: Định hình chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới- Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại ông Vũ Bá Phú phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/LS

Cần định hình chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới

Đề cập đến việc định hình chiến lược kinh doanh mới cho doanh nghiệp Việt Nam trước cuộc chiến thương mại toàn cầu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nêu rõ: Chuỗi cung ứng của thế giới đã và đang dịch chuyển phân mảng về Mỹ, châu Âu, Ấn Độ... Do vậy, chúng ta xây dựng chiến lược riêng cho từng khu vực nêu trên để tiếp cận thị trường có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận lại đã tận dụng được những lợi thế, ưu đãi gì từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Việc tiếp cận thị trường các nước Hồi giáo (Halal) lên tới 2.000 tỷ USD thế nào, cũng như cần lưu ý đến yêu cầu rất thực tế là chuyển đổi xanh khi xuất khẩu sang các nước như Liên minh Châu Âu.

Đồng thời, chúng ta cần coi trọng thị trường trong nước, tránh tình trạng hàng hóa xuất khẩu tốt hơn hàng hóa tiêu thụ nội địa.

Trước động thái áp thuế cao của Hoa Kỳ, ông Phú đặt vấn đề: Chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc những thách thức và bất lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chịu đựng các cú sốc của nền kinh tế thế giới.

Đề cập đến tác động chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đến doanh nghiệp ĐBSCL nói riêng, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và quản lý Fulbright) cho rằng, thách thức cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL chính là có một số chính khách Hoa Kỳ yêu cầu áp mức thuế cao với hàng nông, thủy sản Việt Nam nhằm để bảo hộ mặt hàng này của nước họ. Do đó, cùng với nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán với Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng đầu vào, "chuyển dịch" tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu để giải áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Lê Sơn