In bài viết

Doanh nghiệp đề xuất, góp ý sửa đổi Luật Du lịch

(Chinhphu.vn) - Sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch 2005 đã bộc lộ khi có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

31/05/2016 10:11
Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI thông qua vào tháng 6/2005 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển du lịch ở địa phương.

Trong 10 năm qua, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến việc thực hiện Luật Du lịch. Bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi với nhiều cam kết quốc tế. Ở trong nước, tác động từ những thay đổi trong quan hệ xã hội khi đất nước phát triển và hội nhập đã dẫn đến việc thực hiện Luật Du lịch 2005 gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện thực tế và cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) góp ý sửa đổi Luật Du lịch 2005.

Theo kết quả tổng hợp, có 4 nhóm vấn đề lớn được DN đề nghị sửa đổi, bao gồm: Xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch; điều kiện kinh doanh lữ hành; thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú.

Xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch

Theo Luật Du lịch 2005, có 2 cấp cơ quan có thẩm quyền công nhận xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch là Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh; các điều kiện gồm điều kiện tự nhiên, diện tích, chất lượng dịch vụ, khả năng cung cấp dịch vụ...

DN cho rằng việc quy định như vậy đang gặp một số vướng mắc. Cụ thể, Luật không xác định khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp địa phương được định danh trước hay đến khi được công nhận mới được gọi là khu du lịch, điểm du lịch theo từng cấp độ được quy định tại Luật.

Cũng theo quy định, các khu du lịch được hưởng các ưu đãi về đầu tư như thuế đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thuế doanh nghiệp... nhưng theo quy định mới tại Luật Đầu tư thì du lịch không còn được coi là ngành, nghề được hưởng ưu đãi.

Quy định công nhận theo hai cấp quốc gia và địa phương nhưng không có tiêu chuẩn quốc gia để thẩm định, đánh giá.

Các DN đề xuất cần thay đổi toàn bộ quy định về thẩm quyền công nhận, cách thức công nhận và xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở đánh giá, thẩm định và xếp hạng

Đề xuất này nhằm mục tiêu bảo đảm các khu du lịch, điểm du lịch được thẩm định, xếp hạng công khai, công bằng theo đúng tiêu chuẩn quốc gia. Tăng cường quản lý Nhà nước, nâng cao hình ảnh điểm đến, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư tại khu du lịch, điểm du lịch. Bảo đảm an toàn hơn đối với khách du lịch khi đi du lịch tại những khu du lịch, điểm du lịch đã được xếp hạng.

Về điều kiện kinh doanh lữ hành

Luật Du lịch 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng quy định đơn giản điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Việc quy định điều kiện kinh doanh lữ hành đang tồn tại các vấn đề sau đây:

Quy định DN kinh doanh lữ hành quốc tế phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Trên thực tế, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế  là một hình thức để cơ quan có thẩm quyền công nhận việc DN kinh doanh lữ hành quốc tế đã bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh (bao gồm cả việc ký quỹ đặt cọc để bảo đảm việc đền bù cho khách du lịch nếu DN vi phạm các quy định pháp luật).

Đối với DN kinh doanh lữ hành nội địa không yêu cầu phải có giấy phép và không phải ký quỹ đặt cọc, không quy định việc bắt các DN lữ hành nội địa phải báo cáo về hoạt động.

Như vậy, những quy định này vô hình trung đã tạo ra sự không đồng bộ với hệ thống pháp luật và ngay với chính các quy định của Luật Du lịch 2005; tạo ra sự không bình đẳng giữa các DN kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa; cũng không xác định được số lượng và đưa ra những biện pháp quản lý hữu hiệu trong hoạt động lữ hành. Trong khi đó, trên thực tế hiện nay chúng ta không thể quản lý được các DN này. Nhiều cá nhân kinh doanh lữ hành mà không thành lập DN.

Để tăng cường quản lý Nhà nước, tránh những hậu quả pháp lý do chỉ thực hiện công tác hậu kiểm, bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng cho khách du lịch, DN lữ hành đã đề xuất bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định trong Luật Đầu tư trong Luật Du lịch (sửa đổi).

Về thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch

Điều 73 Luật Du lịch 2005 quy định “hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành”. Tuy nhiên, trên thực tế thì một hướng dẫn viên (HDV) có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng. Vì vậy, nội dung này không còn giá trị với những HDV là người hành nghề tự do chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể.

Về chứng chỉ nghiệp vụ du lịch, trên thực tế đang tồn tại hai phương thức đào tạo, đó là tại các trường được ủy nhiệm đào tạo hoặc tham gia kỳ thi do Tổng cục Du lịch ủy quyền tổ chức.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do Luật Du lịch 2005 quy định điều kiện cấp thẻ HDV du lịch quốc tế cao hơn so với tiêu chuẩn nghề lao động, mà thực tế nếu là nghề thì chỉ cần đáp ứng kỹ năng nghề là đạt yêu cầu. Luật Du lịch 2005 không quy định cụ thể hình thức đào tạo hay cách thức có chứng chỉ HDV nghiệp vụ du lịch (được xem là chứng chỉ nghề).

Vì thế, những người làm du lịch đề xuất nên điều chỉnh cách thức  đào tạo, cấp thẻ để cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ HDV du lịch quốc tế.

Về thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch

Mục tiêu của thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là bảo đảm khách du lịch được sử dụng dịch vụ lưu trú du lịch có chất lượng và đúng giá trị của loại, hạng dịch vụ. Các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch phải được thẩm định xếp hạng đúng với thực trạng của cơ sở vật chất và dịch vụ được bán đúng giá.

Tuy nhiên, trong Luật Du lịch 2005 đang tồn tại một số bất cập: Hồ sơ, trình tự thủ tục chưa thể hiện tinh thần cải cách mạnh về thủ tục hành chính. Một số loại cơ sở lưu trú du lịch không được triển khai thẩm định, xếp hạng trên thực tế vì chưa được quy định trong Luật (tàu thủy lưu trú du lịch…).

Để tạo nên một hệ thống pháp luật về lưu trú du lịch đầy đủ, trình tự, thủ tục và hồ sơ đơn giản, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh ổn định bền vững, đồng thời loại bỏ những cơ sở kinh doanh không lành mạnh, không bỏ lọt đối tượng không được điều chỉnh (nhà nghỉ) nhằm làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch, DN đề xuất nên bổ sung quy định về các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, trình tự, thủ tục thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch vào Luật Du lịch (sửa đổi). Đây là căn cứ để xếp hạng cũng như xử phạt nếu phát hiện có vi phạm.

Như vậy có thể nói việc sửa đổi Luật Du lịch 2005 cho phù hợp với thực tế là điều cần thiết để gỡ vướng cho DN, tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch phát triển đúng với vị trí là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguyệt Hà