Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Minh Châu đề nghị giải đáp trường hợp sau:
Người lao động làm việc được 12 năm, được nghỉ 14 ngày phép/năm. Trong năm 2017, người lao động mới nghỉ 5,5 ngày, còn lại 8,5 ngày. Người lao động muốn nghỉ 14 hoặc 15 ngày phép vào tháng 1/2018 (cộng dồn 8,5 ngày của năm 2017 và ngày phép năm 2018) nhưng Công ty không đồng ý, vì tháng 1/2018 chỉ chấp nhận cho người lao động nghỉ 1ngày (14 ngày/12 tháng*1 tháng =1,16 ngày, tương đương với 1 ngày phép). Như vậy cộng dồn cả phép năm 2017 thì người lao động chỉ có thể nghỉ 9,5 ngày. Công ty trả lời việc áp dụng trường hợp này đã căn cứ vào Điều 7 của Bộ luật Lao động.
Bà Châu hỏi, Điều 7 này được áp dụng cho tất cả người lao động hay chỉ áp dụng cho trường hợp mới làm việc chưa đủ năm và cận hưu?
Về vấn đề này, Cục An toàn Lao động - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Căn cứ vào Khoản 2 và Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2012 “người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động”.
Ngày 10/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. Điều 7 của Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định về thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ và cách tính số ngày nghỉ hàng năm đối với trường hợp làm việc không đủ năm (hướng dẫn Khoản 2 Điều 114 Bộ luật Lao động), quy định này được áp dụng cho tất cả người lao động không phân biệt đó là người lao động mới làm việc hay đã làm việc lâu năm.
Chinhphu.vn