In bài viết

Doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương

(Chinhphu.vn) - Theo ý kiến của cử tri tỉnh Bến Tre tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, mức chênh lệch tiền lương giữa các chức danh của những người quản lý doanh nghiệp là quá nhỏ nên vai trò người đứng đầu doanh nghiệp, chịu trách nhiệm chính về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa thể hiện rõ nét.

29/01/2019 08:02

Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Phụ lục II kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ về mức tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, xác định có khoảng cách giữa các chức danh người quản lý để thể hiện vai trò người đứng đầu của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm chính về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Bến Tre như sau:

Ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 16/8/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-TW về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó xác định từ năm 2021 thực hiện cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích với một số nội dung cơ bản như:

- Giao cho doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương (kể cả đối với người quản lý) để thực hiện;

- Khoán quỹ tiền lương của người lao động và Ban giám đốc (hưởng chung quỹ tiền lương với người lao động) gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh;

- Quy định mức lương cơ bản và xác định quỹ lương của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, kiểm soát viên gắn với quy mô, mức độ phức tạp quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước;

- Quy định việc đánh giá, chi trả tiền lương, tiền thưởng đối với Ban giám đốc, Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, kiểm soát viên theo nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương;

- Xác định tiền lương đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường hoặc sản xuất, kinh doanh dịch vụ công ích theo nhiệm vụ nhà nước giao.

Trước mắt, từ năm 2019 đến năm 2021, Chính phủ sẽ thực hiện thí điểm quản lý lao động tiền lương theo nội dung nêu trên đối với một số Tập đoàn, Tổng công ty, công ty nhà nước.

Chinhphu.vn