In bài viết

Doanh nghiệp kêu Thông tư 21 "bó" cả Luật

(Chinhphu.vn) - Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nhiều quy định khiến doanh nghiệp (DN) lo ngại.

20/07/2015 10:11
Một trong những bất cập được chỉ ra của Thông tư – có hiệu lực từ 1/8/2015- là quy định DN chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV.

Đây là vấn đề đã được Hội DN sản xuất và kinh doanh thuốc BTVT (VIPA) kiến nghị với các cơ quan chức năng ngay từ khâu soạn thảo Thông tư, nhưng chưa thuyết phục được các cơ quan này.  

Theo VIPA, điều khoản này không thể hiện trong Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Các luật hiện hành cũng không quy định về điều khoản này cho tất cả các loại hình hàng hóa. Nhiều nước khác cũng đang cho phép đăng ký nhiều hơn 1 hàm lượng cho một dạng thuốc thành phẩm.

Mặt khác, theo phản ánh của doanh nghiệp thì thông thường cây trồng và các giai đoạn sinh trưởng của nó có phản ứng khác nhau với từng hóa chất trừ dịch hại cũng như đối với từng dạng thuốc trừ dịch hại. Ở mỗi giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cây trồng, có thể sử dụng các hàm lượng khác nhau để phát huy được hiệu quả của thuốc trừ dịch hại mà không ảnh hưởng đến cây trồng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật không giới hạn về điều kiện này đối với các chủ thể đứng tên đăng ký thuốc BTVT, do đó quy định hạn chế này là chưa thống nhất với tinh thần của Luật.

Việc giới hạn về hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BTVT sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp trong việc tạo ra các sản phẩm phù hợp đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả, chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật khi được sử dụng.

Sau khi Thông tư 21 được ban hành, VIPA và các doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm này. Tại cuộc làm việc hồi đầu tháng 7 với VIPA, các DN vẫn tiếp tục cho rằng một hoạt chất có thể bào chế được nhiều dạng thành phẩm với liều lượng khác nhau và sẽ có công dụng khác nhau.

"Về bản chất của việc phun, xịt thuốc BVTV sẽ do nông dân chọn loại phù hợp với cây trồng, điều kiện thổ nhưỡng, thời điểm, chứ không phải cứ phun một loại thuốc có hàm lượng hoạt chất nhất định sẽ diệt trừ tốt bệnh trên cây trồng", ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Chủ tịch VIPA nhấn mạnh.

Theo các DN, quy định phải chọn một hàm lượng để sản xuất là không có chứng cứ khoa học. Điều này sẽ làm phát sinh chi phí cho DN, giá thành sẽ đội lên và nông dân sẽ bị thiệt nhiều nhất.

Mặt khác, với quy định tại Thông tư 21, DN có thể lách luật bằng cách lập ra nhiều công ty để đăng ký hết các sản phẩm có hàm lượng khác nhau để hạn chế tốn kém công sức, tiền của cũng như thời gian gầy dựng sản phẩm. Bởi để có được một sản phẩm, DN phải mất cả năm và rất tốn kém.

Một vấn đề khác theo DN là hiện tại Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm đáp ứng được việc kiểm định đủ các đặc tính ảnh hưởng của thuốc BVTV như yêu cầu của Thông tư 21, nên phải chuyển mẫu ra nước ngoài với chi phí rất đắt.

Chẳng hạn, kiểm định ở Ấn Độ tốn khoảng 8.000USD/mẫu, tại Úc là 4.000 USD/mẫu. Thông tư 21 yêu cầu kiểm tra trên từng lô hàng thì nhất thiết phải có cơ sở thí nghiệm ngay tại Việt Nam.

Các DN lo ngại rằng những bất cập nói trên nếu không kịp điều chỉnh, nguy cơ mất thị phần đối với DN nội địa sẽ rất cao.

Thu Hà