Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Doanh nghiệp - Động lực phát triển của nền kinh tế đất nước”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại Hội nghị “Doanh nghiệp - Động lực phát triển của nền kinh tế đất nước” tổ chức ngày 29/4 tại TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết thực tế cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam đang mất cân đối lớn khi nguồn cung vốn chủ yếu đến từ phía các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm tới 76% tổng tài sản của nền tài chính tiền tệ quốc gia, trong khi chỉ số này trung bình ở các nước ASEAN là 42%. Dư nợ tín dụng ngân hàng hiện nay là 100% GDP, trong khi ở các nước trong khu vực là 70%.
Đối với thị trường chứng khoán, ông Hà cho biết tới ngày 28/4, tỉ lệ vốn hóa của thị trường chỉ là 34% GDP, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 66% của các nước ASEAN. Còn tỉ lệ vốn hóa của thị trường trái phiếu Chính phủ của nước ta hiện nay là 22%.
Từ đó, ông Trần Bắc Hà đề nghị Chính phủ phát triển mạnh thị trường chứng khoán và trái phiếu Chính phủ, giúp cân bằng, đa dạng thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam nhằm tránh rủi ro hệ thống nếu nguồn cung vốn chỉ tập trung vào các tổ chức tín dụng, đồng thời giảm gánh nặng cho các ngân hàng và tạo kênh dẫn vốn trung hạn, dài hạn cho nền kinh tế.
Trả lời trực tiếp đề nghị này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cách đây 2 ngày, ông đã có buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cùng với cơ quan này thống nhất quyết tâm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tới năm 2020 sẽ có giá trị vốn hóa đạt 70% GDP. Cũng tới thời điểm trên, thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ đạt mức vốn hóa 30% GDP. Từ đó, giá trị của hai thị trường này sẽ dần cân bằng với tỉ lệ vốn hóa của vốn tín dụng so với GDP.
Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết việc thực hiện Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) để tránh tình trạng “khoảng trống pháp lý” cho hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1/7/2016 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực.
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đều khẳng định Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đúng thời hạn như luật định, không để xảy ra “khoảng trống pháp lý” trong thực thi luật.
“Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng là sẽ ban hành nghị định theo thủ tục rút gọn, bảo đảm hướng dẫn 2 luật này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói trước hội nghị.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết thêm trước ngày 30/5, các bộ liên quan phải hoàn thiện dự thảo nghị định này và trình Chính phủ cho ý kiến. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các bộ khẩn trương rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh trong các thông tư được ban hành trước đây để việc xây dựng nghị định hiệu quả nhất nhằm xóa bỏ các rào cản trong sản xuất kinh doanh.
Thành Chung