In bài viết

Doanh nghiệp Lào Cai “gồng mình” chống lạm phát

Cùng với các doanh nghiệp trong cả nước, các doanh nghiệp Lào Cai đã tìm nhiều giải pháp chống chọi với tình hình lạm phát. Từ khi giá điện, xăng dầu tăng, lãi suất ngân hàng tăng kéo theo sự biến động về giá cả thị trường. Không chỉ người tiêu dùng chịu ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã "gồng mình" tìm giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh.

05/07/2011 20:10
Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Lào Cai tăng 2,04% so với tháng trước, nếu so với cùng kỳ năm trước tăng tới 23,98%. Bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2011, tăng trên 18% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là mức tăng cao ảnh hưởng không nhỏ của lạm phát khi giá cả thị trường biến động mạnh. Là đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, Công ty TNHH Thương mại Hải Yến gặp không ít khó khăn khi thị trường có biến động lớn về giá, nhất là khi giá điện, xăng dầu tăng. Theo ông Đỗ Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty cho biết: Giá điện, xăng dầu tăng kèm theo tăng lãi suất ngân hàng là một tác động lớn tới việc tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh biến động về giá cả nguyên - vật liệu trên thế giới theo xu hướng tăng cao, cùng với việc điều chỉnh tỷ giá USD của Ngân hàng Nhà nước vừa qua. Hầu hết các mặt hàng công ty phải nhập với mức giá tăng trên 20% đã kéo theo giá thành sản phẩm thép kết cấu của đơn vị tăng từ 17.000 đồng/kg lên đến 25.000 - 30.000 đồng/kg. Các hợp đồng kinh tế đều phải điều chỉnh tăng giá, nếu không làm tốt công tác tiếp thị, hạch toán kinh tế, sản phẩm sẽ khó cạnh tranh trên thị trường để tìm kiếm bạn hàng.

Vận hành thiết bị tuyển quặng Apatít.Ảnh: PV

Không chỉ Công ty TNHH Thương mại Hải Yến, các doanh nghiệp trên địa bàn Lào Cai cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của tình hình lạm phát. Để đối phó, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi giải pháp để tiết kiệm chi phí điện, xăng dầu, hạn chế tối đa mức tăng cao của giá thành sản phẩm. Nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả như triệt để tiết kiệm, vận dụng nguồn nhân lực đúng, đổi mới chiến lược kinh doanh phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nhiều đơn vị đã áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo một số giải pháp như: chuyển bớt việc sản xuất sang giờ thấp điểm, thay thế toàn bộ bóng điện thắp sáng bằng bóng compact, rà soát cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, phát động phong trào tiết kiệm trong cán bộ, công nhân viên. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có mức sử dụng lượng điện năng lớn như các nhà máy: Luyện đồng Lào Cai; Mỏ đồng Sin Quyền, Phốt pho ESACO; Phốt pho vàng... đã tập trung sản xuất chủ yếu giờ thấp điểm để hạn chế thấp nhất chí phí sản xuất. Bên cạnh đó, trên cơ sở phân bổ điện năng của tỉnh, các doanh nghiệp đã có phương án điều tiết sắp xếp quy trình cũng như dây chuyền sản xuất, thời gian phù hợp để tiết giảm chi phí sản xuất cũng như tận dụng tối đa nguồn điện năng được phân bổ.

Chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp, Lào Cai đã tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với trên 700 đơn vị đại diện cho 1.873 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phần lớn ý kiến các doanh nghiệp cho biết hiện gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bởi ảnh hưởng của tình hình lạm phát. Một mặt phải lo sắp xếp kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh cho cả thời điểm hiện tại và tương lai, một mặt lo tiết giảm chi phí, nhân công, dự án đầu tư phù hợp mới duy trì được hoạt động. Song, bên cạnh giá xăng dầu, điện tăng cao, điều doanh nghiệp lo nhất là việc hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ khiến họ khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Nhiều doanh nghiệp cho rằng: với tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng 30% - 31%, doanh nghiệp vay vốn còn khó, nay giảm xuống còn dưới 20%, việc tiếp cận vốn ngân hàng lại càng khó hơn, nhất là lại thêm áp lực về lãi suất tăng cao, tới 17% - 20%,mức quá cao mà không lợi nhuận nào có thể bù đắp nổi. Bên cạnh một số doanh nghiệp có tiềm lực duy trì, ổn định sản xuất thì Lào Cai hiện có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng, tiến độ chậm, thu nhỏ quy mô... vì không đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Chính vì vậy, những tháng cuối năm 2011, nhiều doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi để duy trì, ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Thêm vào đó, cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, xóa bỏ tình trạng đôla hóa, làm lành mạnh thị trường ngoại tệ, cân đối cung cầu, bảo đảm cung ứng đầy đủ ngoại tệ cần thiết cho các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, ngăn chặn tình trạng 2 giá ngoại tệ…

Để duy trì sản xuất, bảo toàn vốn, hiện các doanh nghiệp đang khắc phục khó khăn cùng chung tay với tỉnh tích cực thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xã hội của tỉnh 2011 đã đề ra