In bài viết

Doanh nghiệp mong muốn môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn

(Chinhphu.vn) – Thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Theo đó, tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn,

29/04/2016 09:20

Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam-Động lực phát triển kinh tế của đất nước” ngày 29/4.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, 5 năm tới là một giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta - 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Trong quá trình ấy, doanh nghiệp chính là lực lượng quyết định thành bại của đất nước trong hội nhập và nâng cao nội lực của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Trên cơ sở nhận diện tình hình doanh nghiệp như trên, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

Trên tinh thần này, phải tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

Hai định hướng chính sách lớn của chương trình là cố gắng bảo toàn lực lượng doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh hiện có, đồng thời khuyến khích thúc đẩy phát triển thêm nhiều doanh nghiệp mới, hướng tới mục tiêu đất nước ta có được 1,5-2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Theo định hướng chính sách đó, có hai việc cần làm: Có những giải pháp quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho doanh nghiệp; Tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Về nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro và chi phí, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Trước tiên là các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng.

Để phục hồi và phát triển doanh nghiệp, cải cách thể chế, cải cách hành chính cần đóng vai trò là mũi đột phá dẫn đường, để vừa bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị tiến hành ngay việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang còn hiệu lực, kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và đang làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp.

Chính phủ cần đề nghị Quốc hội sửa một số luật chuyên ngành, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật, thực hiện đúng yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Ban hành văn bản pháp luật theo hướng chỉ có Quốc hội, Chính phủ mới có quyền ban hành các điều kiện và giấy phép kinh doanh hạn chế quyền kinh doanh, chấm dứt ngay tình trạng tiếp tục giao quyền các bộ ngành ban hành thông tư, quyết định xác lập điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh như quy định tại một số luật chuyên ngành hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất. Đồng thời đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa hệ thống thu-chi các khoản đóng góp liên quan đến lao động. Đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính để cắt giảm chi tiêu, tuyệt đối tránh tình trạng tận thu để bảo đảm tăng chi…

Ông Vũ tiến Lộc cũng đề xuất nhiều kiến nghị giải pháp về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, trong đó có đề nghị Chính phủ ban hành ngay các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng. 

Nguyễn Hoàng