Đây là nhận định của Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, ông Nakajima Takeo trong cuộc trao đổi với báo Thế giới và Việt Nam.
Theo ông Nakajima Takeo, trong khảo sát mới nhất của JETRO (năm 2022), 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết họ sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh trong 1-2 năm tới, tăng 5 điểm so với mức 55% trong cuộc khảo sát trước đó vào năm 2021. Đó là cũng mức cao nhất trong số các nước ASEAN.
Điều này có thể thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng gắn bó lâu dài với Việt Nam. Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn riêng dù có thể chịu ảnh hưởng từ những sự cố ngoài dự kiến và bất ổn kinh tế thế giới trong ngắn hạn.
So với năm 2021, ở thời điểm hiện tại, hoạt động của nhà máy đã trở lại bình thường, xuất nhập khẩu đã năng động hơn và thị trường tiêu thụ đã phục hồi.
Ông Nakajima Takeo cho biết các công ty Nhật Bản đưa ra quyết định đầu tư dựa trên triển vọng dài hạn từ 5 - 10 năm chứ không phải ngắn hạn. Với dân số 99 triệu người, tầng lớp trung lưu đang phát triển và sự hiện diện nhiều công ty nước ngoài, Việt Nam còn hứa hẹn là thị trường hấp dẫn cho kinh doanh thương mại điện tử trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau (B2B) và giao dịch thương mại trên Internet giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C).
Việt Nam cũng là một điểm đến lý tưởng để sản xuất và xuất khẩu do đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA)...
Bên cạnh đó, tiền lương của Việt Nam ở mức tương đối thấp trong ASEAN, lao động dồi dào và các địa phương đang nỗ lực xây dựng nhiều khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 2022, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam (đầu tư mới và mở rộng) đạt 4,56 tỷ USD, đứng thứ 2, sau Singapore (4,62 tỷ USD). Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực như năng lượng, bán lẻ, điện và điện tử.
Như vậy có thể khẳng định, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư không thể bỏ qua của các công ty Nhật Bản. Một cuộc khảo sát do JETRO thực hiện năm 2022 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia đầu tư phổ biến, bên cạnh Mỹ.
Trong ngắn hạn, những sự cố ngoài dự kiến và bất ổn kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn riêng. Điều này thấy rõ qua việc các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng.
Theo khảo sát của JETRO, thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam bao gồm: Tăng trưởng tốt và quy mô thị trường phù hợp; tình hình chính trị, xã hội ổn định; chi phí lao động thấp; điều kiện sống tuyệt vời. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng chất lượng công nhân viên chức của Việt Nam tốt hơn các nước lân cận.
Khoảng một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hoạt động theo định hướng xuất khẩu và nửa còn lại hướng vào thị trường nội địa. Thế mạnh của Việt Nam phù hợp với cả 2 mục đích này./.
Theo Báo Thế giới và Việt Nam