In bài viết

Doanh nghiệp Nhật kiến nghị về môi trường đầu tư Long An

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Long An được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, chế độ hỗ trợ doanh nghiệp, thái độ tích cực của lãnh đạo địa phương.

16/01/2014 18:31

Đây là kết quả thăm dò ý kiến các doanh nghiệp Nhật Bản được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố tại buổi tọa đàm về cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Long An, diễn ra tại TPHCM ngày 16/1.

Theo JETRO, các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Long An từ năm 2007 đến nay đánh giá cao tỉnh Long An về cơ chế chính sách thu hút đầu tư bên ngoài, chế độ hỗ trợ doanh nghiệp, thái độ tích cực của lãnh đạo địa phương.

Tuy nhiên, nhìn ở cấp độ địa bàn thì nguồn nhân lực, kinh nghiệm của cán bộ làm công tác thu hút đầu tư, giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư và cơ sở hạ tầng của tỉnh vẫn còn hạn chế.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành của văn phòng JETRO tại TPHCM, những khó khăn mà các doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải hiện nay là: Việc thuê nhân công lao động kỹ thuật cao; thu mua nguyên, vật liệu cho sản xuất; phí sử dụng đất trong các khu công nghiệp của tỉnh Long An vẫn còn cao.

Để giải quyết vấn đề trên, trước tiên đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Long An cần tiến hành nội địa hóa việc cung cấp các nguyên, vật liệu. Do đó, doanh nghiệp Nhật đề xuất, tỉnh không chỉ tập trung thu hút các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành công nghiệp hỗ trợ mà cần phải hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ của riêng địa phương để cắt giảm chi phí và làm động lực “mồi” nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có các biện pháp điều chỉnh môi trường đầu tư như: Cho vay vốn lãi suất thấp để đầu tư, ưu đãi thuế, hỗ trợ nhân lực để có thể sản xuất các bộ phận, nguyên, vật liệu chất lượng cao.

Cũng về vấn đề này ông Hida Harumitsu, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, cho biết thêm, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản mong muốn tỉnh Long An nhanh chóng cải thiện năng lực phục vụ của các tuyến đường từ các khu công nghiệp của tỉnh kết nối với TPHCM và các địa phương khác trong vùng ĐBSCL.

Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Long An chủ trương khuyến khích các ngành công nghiệp phù hợp với chính sách của tỉnh, bổ trợ cho các ngành đang có ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Công nghệ cao, công nghệ tri thức, nghiên cứu và phát triển, môi trường, công nghiệp dựa trên công nghệ vật liệu mới, sản xuất điện tử và phần mềm, sản xuất khí hóa lỏng (GTL), chế tạo pin năng lượng mặt trời, hệ thống sản xuất điện từ khí hydro... phát triển ngành công nghiệp sản xuất nông cụ dựa trên các ngành sản xuất nông nghiệp liên quan hiện có tại tỉnh.

Long An hiện có 28 khu công nghiệp, với diện tích 10.200 ha. Hiện nay, có 72 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Long An với tổng vốn đầu tư đăng ký 284 triệu USD.

Lê Anh