In bài viết

Doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động làm thế nào?

(Chinhphu.vn) – Ông Nguyễn Khắc Thanh Bình tham gia BHXH từ năm 2005, nhưng từ năm 2013 đến nay BHXH không chốt sổ cho ông Bình vì lý do doanh nghiệp của ông nợ tiền BHXH. Ông Bình hỏi, khi ông chuyển công tác thì có được nối lại thời gian BHXH từ năm 2012 mà không phải đóng BHXH năm 2013 và 2014 không?

29/12/2014 14:02

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời ông Nguyễn Khắc Thanh Bình như sau:

Theo đơn thư của ông Bình, ông tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2005 đến năm 2012, từ năm 2013 doanh nghiệp nơi ông làm việc không đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, nợ tiền BHXH, BHYT. Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật BHXH, hàng tháng doanh nghiệp nơi ông làm việc có trách nhiệm trích tiền đóng BHXH trên quỹ tiền lương, tiền công tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động theo mức quy định để đóng vào quỹ BHXH, BHYT.

Như vậy, doanh nghiệp nơi ông làm việc không đóng, nợ tiền BHXH, BHYT từ năm 2013 đến nay là vi phạm quy định của pháp luật về BHXH làm ảnh hưởng tới quyền lợi của ông về BHXH.
 
Theo quy định tại Điều 138 Luật BHXH thì doanh nghiệp phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và số tiền lãi của số tiền BHXH, BHYT chưa đóng, chậm đóng, trường hợp doanh nghiệp không thực hiện theo quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi về BHXH của người lao động, cơ quan BHXH tiếp tục đôn đốc đơn vị đóng đủ BHXH làm căn cứ ghi, xác nhận sổ BHXH để giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động theo quy định, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đề nghị ông Bình thực hiện quyền của mình là khiếu nại, tố cáo về việc doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động hoặc thông qua tổ chức công đoàn nơi ông làm việc để yêu cầu chủ sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Chinhphu.vn