![]() |
Dưới góc độ người tiêu dùng, việc mua bán hệ thống bán lẻ có thể coi là tín hiệu đáng mừng-Ảnh minh họa |
Hàng ngoại vào là việc đương nhiên
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, không nên quá lo ngại khi các DN mua bán thương hiệu, hệ thống bán lẻ, bởi đó là xu hướng tất yếu, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam. Bên bán muốn giữ an toàn vốn hoặc cân đối tài chính trong chiến lược toàn cầu; bên mua muốn thâu tóm cả hệ thống bán lẻ, từ đó bước vào thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng mà không phải mất 10-20 năm chuẩn bị.
Cùng quan điểm với ông Phú, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: “Chúng ta cần bình tĩnh phân biệt giữa sở hữu hệ thống bán lẻ và việc phân phối hàng hóa. Không thể phủ nhận rằng hàng hóa Thái đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam một cách có bài bản hơn.
Tuy nhiên, việc này không đến mức quá đáng sợ bởi ta đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại đồng nghĩa với việc chấp nhận để hàng hóa ngoại vào thị trường Việt Nam một cách dễ dàng hơn trước, cùng với đó là cơ chế thị trường, ai mạnh người đấy thắng, DN Việt Nam cần coi đây là cú hích để nỗ lực chứ không phải ngồi đấy lo lắng”.
Với nhận định “50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái”, ông Nguyễn Minh Phong không đồng tình.
“Nói như vậy là không đúng. Vì thực tế hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chỉ chiếm 10-15% khối lương hàng hóa bán lẻ lưu thông. Chúng ta còn rất nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi, hộ kinh doanh, chợ đầu mối,… thì Big C và Metro chiếm thị phần không đáng bao nhiêu cả. Tôi không hiểu con số 50% đấy lấy từ đâu ra”, TS.Nguyễn Minh Phong nói.
Còn về thông tin tại cổng chính Siêu thị Metro, người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị này để trưng bày hàng hóa của họ, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Nhà của người ta thì họ bày biện như thế nào mình không thể quản được. Cứ nhìn tiêu cực từ một phía thế thì chúng ta không thể khá lên. Hàng hóa Việt Nam cũng có thị trường riêng, có chỗ đứng riêng, ta cứ làm tốt việc của ta”.
Hãy tự cứu mình
Từ câu chuyện thực tế của Big C, việc các DN nước ngoài quan tâm đến hệ thống siêu thị này là chuyện dễ hiểu bởi Big C đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt Nam, nhất là tại các đô thị. Trong khi đó, các DN nước ngoài có ưu thế trường vốn, năng lực quản lý tốt, cũng như kinh nghiệm và thương hiệu nổi bật trên thương trường khi tham gia thị trường bán lẻ sẽ buộc DN nội phải tự sửa những yếu kém cố hữu như: chậm đổi mới, manh mún, quy mô nhỏ lẻ; phải tự "lớn lên", chủ động nâng cao năng lực, xây dựng hình ảnh, hình thành một số thương hiệu mạnh, quy mô lớn để đảm nhận vai trò dẫn dắt trên thị trường, lan tỏa đến các đơn vị nhỏ trong mối liên kết DN nội.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, DN bán lẻ nội có thể phát huy ưu thế thông qua chương trình ủng hộ hàng Việt, bình ổn giá, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu dùng; thực hiện "mua tận gốc, bán tận ngọn" để vừa quản lý tốt đầu vào vừa hạ giá thành. Muốn vậy, các đơn vị cần xóa bỏ tình trạng đơn lẻ, tự nguyện hợp tác chia sẻ thông tin, chủ động ưu tiên mua hàng, trở thành bạn hàng của nhau, ưu tiên mục tiêu hoạt động theo mạng liên kết nội địa.
Còn TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, trước tình hình hiện nay, DN Việt không nên giữ thái độ thù địch mà cần liên kết và học hỏi. Cái gì người Thái hơn ta thì ta học hỏi rồi liên kết lại, cố gắng mềm mỏng và khéo léo để đôi bên cùng có lợi.
“Thay vì việc ta cứ lo sợ hàng Thái chiếm thị trường thì việc cần làm hơn bây giờ là tăng cường kiểm soát chất lượng. Ta đều biết rằng hàng hóa Thái có chất lượng tốt hơn hàng hóa Trung Quốc nhưng không có nghĩa là ta lơi là kiểm soát để chủ các hệ thống siêu thị tuồn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng vào”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, DN bán lẻ muốn tồn tại phải chứng minh được đẳng cấp của mình bằng chất lượng sản phẩm, giá bán và cung cách phục vụ.
“Không nên quá lo lắng về việc chủ siêu thị sẽ lựa chọn hàng hóa do nước nào sản xuất để bán mà cần tập trung nâng cao chất lượng, hình ảnh của sản phẩm trong nước để đáp ứng yêu cầu của chủ siêu thị. Nếu các nhà sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, chắc chắn sản phẩm đứng vững trên thị trường, tận dụng được thế mạnh "sân nhà" để phát triển”, ông Long chia sẻ.
Dưới góc độ người tiêu dùng, việc mua bán hệ thống bán lẻ có thể coi là tín hiệu đáng mừng, bởi sự đa dạng nguồn gốc DN, xuất xứ hàng hóa sẽ đưa cuộc cạnh tranh lên mức cao hơn, hình thành một thị trường ngày càng hiện đại, bình đẳng hơn. Từ đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi cao nhất với những hàng hóa chất lượng, giá thành rẻ hơn.
Phan Trang