Thép là ngành công nghiệp nền tảng, vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế quan trọng của đất nước như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ một nền ngành kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu, đến nay, công nghiệp thép Việt Nam đã vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ, làm chủ nền công nghiệp thép với tổng công suất 28 triệu tấn thép thô/năm, đứng thứ 12 thế giới về sản lượng thép thô (theo xếp hạng của Hiệp hội Thép thế giới - WSA), trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm thép lớn trong khu vực và toàn cầu.
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, ngành thép của Việt Nam sớm phải đối mặt với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, trong đó sớm nhất là vào năm 2004 khi Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành khởi kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thép ống của Việt Nam. Từ đó đến nay, thị trường nước ngoài đã kiện phòng vệ thương mại đối với thép xuất khẩu của Việt Nam tổng số 81 vụ việc.
Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường chính xuất khẩu thép của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, gần đây, Mexico, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh.
Ông Đinh Quốc Thái chia sẻ, năm 2004, dường như khái niệm "phòng vệ thương mại" còn rất mới với các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thép còn rất hoang mang và chưa có nhiều kinh nghiệm đối mặt với các vấn đề này.
Thậm chí, có một số vụ việc mà mức thuế chống bán phá giá áp dụng có các doanh nghiệp Việt Nam lên tới hàng trăm phần trăm. Đơn cử, năm 2026, Bộ Thương mại Thái Lan áp thuế chống bán phá giá dao động từ 2,38 - 310,74% đối với ống thép hàn không gỉ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam trong 5 năm.
"Tuy nhiên, sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, từ các bài học thực tế rút ra, các doanh nghiệp về cơ bản đã làm quen với quy trình của một vụ kiện", ông Thái đánh giá.
Cho tới thời gian gần đây, mặc dù đi kèm theo xu thế phát triển thương mại toàn cầu, doanh nghiệp thép vẫn phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra hơn. Mặc dù vậy, ông Đinh Quốc Thái cho hay, nhờ việc đã dần bắt nhịp được với yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp và sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, nhất là Cục Phòng vệ thương mại nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận.
Ví dụ như, năm 2017, Australia kết luận không tồn tại hành vi bán phá giá của Việt Nam đối với mặt hàng thép dây dạng cuộn. Năm 2019, Indonesia thông báo dừng quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn lạnh sau 2 năm điều tra; năm 2020, Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép chính xác.
Từ các vụ việc kháng kiện, ông Đinh Quốc Thái cho biết, doanh nghiệp thép đã rút ra được một số kinh nghiệm để có thể chủ động trong việc ứng phó với các vụ việc. Doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến quy định pháp luật của các nước điều tra, từ đó hiểu được quy trình diễn ra của mỗi vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế hay tự vệ.
Mặt khác doanh nghiệp thép đã xây dựng hệ thống quản trị, bố trí nguồn lực, chuẩn hóa hệ thống thông tin nhằm giúp cho việc truy xuất thông tin phục vụ cho các vụ việc phòng vệ thương mại được nhanh chóng và chính xác, đảm bảo tuân thủ các quy định về thời hạn trả lời mà Cơ quan điều tra đưa ra.
"Tính chủ động trong công tác phòng vệ thương mại của ngành thép dần đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, các doanh nghiệp còn chủ động rà soát thường xuyên kế hoạch hoạt động xuất khẩu để có thể tận hưởng được những ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà vẫn tránh được những cuộc điều tra phòng vệ thương mại", ông Thái cho biết.
Hơn thế nữa, sau thời gian ban đầu chủ yếu đứng ở vai trò bị động của người bị kiện trong các vụ việc phòng về thương mại, các doanh nghiệp ngành thép của Việt Nam cũng đã chủ động phát hiện các hành vi thương mại không lành mạnh của các doanh nghiệp để xây dựng hồ sơ và đề nghị Bộ Công Thương khởi xướng điều tra. Hiện tại, đã có 12 vụ việc phòng vệ thương mại của Việt Nam được khởi xướng liên quan đến sản phẩm thép và tất cả những vụ việc này đều đưa đến việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương và Cơ quan nhà nước: Tiếp tục làm việc với các đối tác đã ký FTA còn nghi ngại về việc tồn tại "thị trường đặc biệt" hoặc chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam (như Hoa Kỳ) để các đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và không tồn tại thị trường đặc biệt để công bằng, chủ động hơn cho doanh nghiệp khi làm việc với cơ quan điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đồng thời, tiếp tục chủ trì các kênh đối thoại giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các bên liên quan để tăng cường sự hiểu biết hợp tác, nhằm hạn chế tối đa các vụ kiện và điều tra phòng vệ thương mại gây tốn kém nguồn lực của đối tác (kể cả nước khởi xướng điều tra và nước ứng phó) trong khuôn khổ các FTA đã ký. Tăng cường nguồn lực để tiếp tục sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại (đối với hàng hóa nhập khẩu) và ứng phó có hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại (đối với hàng hóa xuất khẩu) để bảo vệ nền sản xuất trong nước, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Theo dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành thép giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương lấy ý kiến đóng góp, mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm từ 5-7%; tiêu thụ từ 270-280 kg/người/năm; công suất sản xuất thép của các nhà máy luyện kim trong nước tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt từ 40 - 45 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Giai đoạn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm xấp xỉ 5%; tiêu thụ 360 - 370 kg/người/năm; sản lượng thép của Việt Nam vào năm 2050 đạt từ 65 - 70 triệu tấn.
Phan Trang