In bài viết

Doanh nghiệp tìm “kế” giải tỏa hàng tồn kho

(Chinhphu.vn)- Giải quyết nhanh hàng tồn kho, tìm cách tăng năng lực phân phối để quay nhanh đồng vốn, tránh các chi phí tăng cao, giữ chân khách hàng, tăng cường chất lượng, đẩy mạnh maketing, quảng bá… đang là những “kế” đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

23/06/2012 14:12

Ảnh minh họa

Các phương thức được nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng nhất là giảm giá, khuyến mãi, tăng chiết khấu, chia sẻ lợi nhuận, tặng kệ trưng bày...

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, kinh nghiệm xử lý hàng tồn của Vissan trong thời gian qua khá đơn giản. Đó là, Công ty đầu tư một khoản 150 tỷ đồng, “biến” 1.000 đại lý trên toàn quốc trở thành kênh phân phối riêng của Công ty, từ đó, ngoài  thực hiện các chương trình khuyến mãi, kích sức mua, các kênh phân phối này còn giúp Công ty thu thập thông tin, sau đó chuyển về phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) để cho ra đời những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu tiêu dùng theo từng khoảng thời gian. Và công ty đang dịch chuyển sang một doanh nghiệp sản xuất và phân phối, thay vì chỉ “bán thịt heo” như trước đây.

Để giải phóng 32.000 đơn vị quần áo may sẵn tồn kho từ giữa năm 2011 đến nay, doanh nghiệp tư nhân may mặc Phúc Long ở TPHCM đã liên kết với một công ty ở Bình Phước đem hàng giao tận tay cho tiểu thương ở một số chợ vùng sâu tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và Gia Lai để tiêu thụ.

Nước mắm Chinsu và nước rửa chén Mỹ Hảo chưng hàng vào trong các quầy, kệ trong các chợ, và  theo các chuyên gia thì đây là hai doanh nghiệp có  chương trình vào chợ bài bản nhất.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua tại TPHCM, Tổng giám đốc công ty TDM ở Bình Dương, bà Nguyễn Thị Hồng Hương, cho biết nhu cầu về các hàng bình dân giá rẻ ở các khu công nghiệp và các nông trường cao su là rất lớn.

TDM đã bắt tay với một công ty có tới 10.000 công nhân ở một khu công nghiệp, mở một cửa hàng tiện lợi rộng 80 mét vuông ở ngay công ty, và  rất hiệu quả.

Theo bà Hương thì trong các ngày bình thường, doanh số thấp nhất của cửa hàng đạt 20 triệu đồng, và ở những ngày công nhân lĩnh lương thì doanh số tăng lên gấp đôi.

Công ty cũng đã tổ chức đưa hàng đến 11 nông trường cao su ở Bình Dương, và “hầu như  hàng gì đem lên cũng bán được”.

Bà Ngô Hoàng Mai, Phó giám  đốc kinh doanh Công ty Liên Thành cho biết, trong thời điểm khó khăn hiện nay, Công ty đẩy mạnh bán hàng bằng hai giải pháp: một là, mở chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm; hai là, liên kết với các cửa hàng tại các quận, huyện (đến nay đã liên kết với 100 cửa hàng). Do chấp nhận chia sẻ một khoản lợi nhuận qua chiết khấu để các cửa hàng liên kết thực hiện treo bảng nhận diện thương hiệu của Công ty, nhờ đó mà doanh số bán hàng luôn giữ được ổn định.

Một số doanh nghiệp như Công ty Nguyên Tâm Foci, hay PNJ thì đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, tăng tỉ lệ chiết khấu, và những dịp khuyến mãi lễ tết hàng bán rất chạy.

Bà Ngô Thị Báu, Giám  đốc Công ty Nguyên Tâm (thời trang FOCI) cho biết, dù  kinh tế khó khăn, nhưng giá thuê mặt bằng bán lẻ vẫn không giảm, nên DN chuyển hướng sang bán hàng trực tuyến. Chính nhờ áp dụng biện pháp trên mà FOCI đã giải quyết được phần nào áp lực thuê mặt bằng.

Trên thực tế, bán hàng trực tuyến là giải pháp tối ưu trong bối cảnh tiền thuê  mặt bằng còn khá cao, song kênh bán hàng này có hiệu quả hay không, thì tùy thuộc vào sự lan tỏa của thương hiệu. Đại diện Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, doanh số tại các shop online của PNJ thường tương đương với các cửa hàng bán theo phương thức truyền thống. PNJ thường áp dụng mức chiết khấu bán hàng online cao hơn so với mức chiết khấu ở các cửa hàng thông thường, do đó, vào dịp lễ, tết người tiêu dùng không có thời gian đi mua hàng trực tiếp, nên doanh số tại các shop online những dịp này tăng khá mạnh.

Ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Casumina cho biết, để bán được hàng trong thời điểm hiện nay, đặc biệt đối với DN nhỏ thì có thể “sử dụng hệ thống bán hàng của DN khác”, tương tự như trường hợp trên đường đua những người biết “núp gió” thường dễ dàng thành công. “Như chúng tôi bán sản phẩm lốp xe có thể dựa vào hệ thống bán lẻ của những nhà bán dầu nhớt để bán được sản phẩm”,  ông Lê Văn Trí nêu dẫn chứng.  

Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn thép Tiến Lên cho rằngcách tốt nhất nhằm giảm hàng tồn kho là phải giảm giá từ 5-15% so với bình thường, thậm chí có mặt hàng bán với giá cực thấp.

Cũng là một trong nhiều doanh nghiệp có hàng tồn kho, Công ty may túi xách Minh Tiến đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng giảm giá 30%. Vấn đề giải quyết đầu ra, giảm tồn kho cho các doanh nghiệp là cấp thiết, cần có sự chung sức của các cơ quan nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Công Trí