Sáng 27/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Những thành quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA (1/8/2020-12/2022), mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trên toàn thế giới nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%.
Sang năm thứ hai thực hiện Hiệp định, trao đổi thương mại song phương đã tăng lên 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, riêng xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Cùng với sự tăng trưởng này, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…
Đáng nói, tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA đã có sự thay đổi tích cực. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỉ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây, có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: Điều đó cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý ở cấp Trung ương và địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã "đơm hoa kết trái".
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm thực thi EVFTA, nhưng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì "lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam thu về chưa xứng với tiềm năng" bởi thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu.
Dẫn chứng đối với mặt hàng rau quả tươi và rau củ quả chế biến, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Nếu không có EVFTA thì thuế suất sẽ ở mức cao nhất là 20%, nhưng hiện phần lớn thuế đã về mức 0%. Tuy nhiên, tỉ lệ mặt hàng rau quả tươi, rau quả chế biến Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU hiện mới chiếm khoảng 2,7% thị phần. Do vậy, tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam đưa mặt hàng rau quả tươi, rau củ quả chế biến xuất khẩu vào EU là rất lớn.
Tương tự với nhóm mặt hàng thuỷ sản (cá tra và sản phẩm khác), mức thuế suất nếu không có Hiệp định EVFTA thì cũng ở mức 20%, tuy nhiên với cam kết từ EVFTA đã xoá bỏ thuế với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong 3 năm; xoá 90,3% kim ngạch trong 5 năm và 100% trong 7 năm. Hiện, tỉ lệ xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU mới chiếm khoảng 4,2% thị phần của thị trường rộng lớn này nên dư địa cho nhóm hàng thuỷ sản cũng còn rất lớn.
Thời gian tới, để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ thị trường EU, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai 4 nội dung, bao gồm: Xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội; triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua chỉ số FTA INDEX, bộ chỉ số này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2023.
Đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khoá tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp, đặc biệt có các chương trình tập huấn dành cho các CEO, chủ doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.
Phan Trang