In bài viết

Doanh nhân trẻ khởi nghiệp vì cộng đồng

(Chinhphu.vn) - Với doanh nhân trẻ Lê Công Thành, khởi nghiệp không chỉ là con đường làm giàu mà còn là hành trình mang lại giá trị cho xã hội, thể hiện khát vọng của doanh nhân Việt Nam thế hệ mới.

13/10/2024 08:24
Doanh nhân trẻ khởi nghiệp vì cộng đồng- Ảnh 1.

Doanh nhân Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Ngay sau khi tốt nghiệp khoa Tin học (Trường Đại học Thủy Lợi), Lê Công Thành (sinh năm 1983) được giữ lại làm giảng viên và theo học thạc sĩ tại Pháp. Tuy nhiên, tình yêu quê hương và khát khao cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam đã dẫn dắt anh trở về, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp khi thành lập Công ty Công nghệ InfoRe vào năm 2011.

Lấy 'sứ mệnh cộng đồng' làm giá trị cốt lõi phát triển doanh nghiệp

InfoRe được thành lập với mong muốn xây dựng một công ty chuyên về xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng khát vọng của Thành không chỉ dừng ở đó, ngay từ ngày đầu, anh đã xác định InfoRe không phải chỉ là công ty tư nhân đơn thuần, mà còn phải là doanh nghiệp có sứ mệnh với cộng đồng.

Lê Công Thành bắt đầu hành trình ấy với dự án Lietsi.com – một nền tảng trực tuyến nhằm số hóa thông tin về các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp Việt Nam. Xuất phát từ việc trong gia đình có người thân là liệt sĩ chưa được tìm thấy, Thành hiểu rõ nỗi niềm của những gia đình vẫn mãi khắc khoải tìm kiếm thân nhân.

"Mỗi bia mộ là một câu chuyện chưa kể của một người con đất Việt ngã xuống vì màu cờ Tổ quốc. Bản thân mình mong muốn, không chỉ gia đình họ mà cả xã hội có thể ghi nhớ và tôn vinh những hy sinh lớn lao ấy", Thành chia sẻ.

Sau hai năm triển khai, Lietsi.com đã số hóa hơn 700.000 thông tin liệt sĩ, giúp hàng nghìn gia đình dễ dàng tìm kiếm thông tin về người thân trên khắp cả nước. Dự án này không chỉ đưa công nghệ đến gần hơn với người dân mà còn thể hiện tâm huyết chân thành của một người trẻ. Đây chính là khởi nguồn cho thành công của doanh nghiệp trong việc xây dựng những dự án cộng đồng ý nghĩa tiếp theo.

Đến năm 2022, ngay sau khi AI được biết đến tại Việt Nam, dự án "Bình dân học AI" cũng được ra đời và thu hút hơn 250.000 nghìn thành viên tham gia. Mục tiêu của dự án là giúp mọi người học cách sử dụng AI một cách đơn giản và trở thành công cụ làm việc hằng ngày hiệu quả. Theo đó, dự án được chia thành 2 nhóm chính: nhóm người học để ứng dụng vào công việc và nhóm vừa học vừa dạy cho người khác.

Công Thành nhận định, AI giờ đây là một cơ hội mở, một sức bật mới cho mọi người dân ở mọi ngành nghề. Đây không chỉ là công cụ giúp người lao động Việt Nam thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", mà còn là đòn bẩy chiến lược đưa lao động Việt tiến xa trên trường quốc tế.

Với một tầm nhìn xa trong tương lai, Lê Công Thành không chỉ tạo ra một dự án có ích cho xã hội mà còn ấp ủ một giấc mơ lớn: Đến năm 2025, "Bình dân học AI" sẽ chạm tới triệu người lao động Việt Nam, lan tỏa tri thức AI khắp mọi miền Tổ quốc.

Trách nhiệm của doanh nhân thế hệ mới

Đối với Công Thành, hành trình khởi nghiệp bắt đầu không hề dễ dàng. Là những người trẻ vừa tốt nghiệp, không ai trong đội ngũ của anh có kiến thức sâu về thị trường hay kinh doanh. Họ chỉ là những người phát triển phần mềm, nhận thấy nhu cầu của xã hội về công nghệ nhưng lại phải đối mặt với muôn vàn thử thách.

Những vấp ngã, khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác và thiếu vốn đã từng khiến họ đứng trước bờ vực giải thể. Tuy nhiên, với sự kiên trì với mục tiêu và lý tưởng, họ đã dần tích lũy kinh nghiệm và hình thành tầm nhìn rõ ràng cho doanh nghiệp.

Ttrong bối cảnh dịch COVID-19, đội ngũ của anh đã nhanh chóng tham gia vào tổ thông tin hỗ trợ Ban chỉ đạo quốc gia, phân tích dữ liệu phòng chống dịch. Qua ba năm chiến đấu với đại dịch, họ nhận ra rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là làn sóng mới mà thị trường Việt Nam cần. Từ đó, dự án "Bình dân học AI" ra đời và khẳng định tinh thần khởi nghiệp không chỉ để làm giàu mà còn góp phần giải quyết những vấn đề xã hội.

Công Thành cho rằng, khởi nghiệp giống như những chuyến vượt sa mạc hay đại dương tìm kiếm vùng đất mới, yêu cầu tinh thần dám thử thách và không ngừng nỗ lực. Thành công không chỉ đến từ lợi nhuận mà còn từ giá trị mà doanh nghiệp tạo ra cho xã hội.

"Sự thành công của doanh nghiệp không thể chỉ đánh giá bằng doanh thu hay số lượng lao động, mà còn bởi sự công nhận từ chính bản thân người sáng lập. Khởi nghiệp là một thí nghiệm và từ những thất bại, doanh nhân có thể học hỏi để chuẩn bị cho thành công trong tương lai. Đặc biệt, khi bắt đầu, mình và đội ngũ đã chọn cách hợp tác với sinh viên giỏi, truyền đạt kiến thức và kỹ năng, hình thành nên văn hóa doanh nghiệp tích cực", anh Thành bày tỏ.

Dù trải qua nhiều thách thức và nhìn lại những doanh nghiệp đã thành lập, Công Thành nhận ra rằng, việc hình thành tinh thần doanh nhân cần thời gian và sự nỗ lực.

Nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp nhưng khi gặp khó khăn lại dễ dàng từ bỏ. Chính vì vậy, trong tương lai, họ sẽ tiếp tục duy trì những hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ, giúp họ không chỉ về vốn tài chính mà còn về tri thức, kỹ năng và quan hệ để hướng tới một cộng đồng khởi nghiệp vững mạnh hơn.

Là người đam mê công nghệ và dẫn dắt doanh nghiệp trong môi trường số. Công Thành đánh giá cao những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, qua đó hiện đại hóa cách thức hoạt động bằng việc ứng dụng dữ liệu số.

Bởi lẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, làm nổi bật vai trò của chuyển đổi số như một động lực quan trọng cho sự phát triển. Những sáng kiến này không chỉ hứa hẹn mang lại thành công trong hiện tại mà còn mở ra những cơ hội vô tận cho tương lai của Việt Nam. AI chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp, giúp tiếp cận những thị trường sản xuất tiên tiến và tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo.

"Chúng tôi nhận thức rằng, Chính phủ đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra một môi trường thuận lợi để chúng tôi không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ. Sự hỗ trợ từ Chính phủ chính là động lực mạnh mẽ, khuyến khích doanh nghiệp chúng tôi tự tin vươn ra thế giới, khẳng định giá trị và vị thế trong bối cảnh toàn cầu đầy cạnh tranh này", đại diện InfoRe nhấn mạnh.

Theo anh Thành, doanh nhân hiện đại đang gánh vác một trách nhiệm to lớn, bắt đầu từ những nghĩa vụ cụ thể đối với người lao động, cộng sự, khách hàng và cả thị trường tiêu dùng.

Họ không chỉ đơn thuần là những nhà lãnh đạo kinh doanh, mà còn là những người định hình tương lai cho cả cộng đồng. Trách nhiệm cao hơn nữa là cống hiến sức lao động và tài năng của mình nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều đặc biệt ở những người doanh nhân là sự năng động và tầm nhìn. Họ không chỉ nhìn nhận những gì đang diễn ra trong hiện tại mà còn biết cách dự đoán tương lai và hình dung những viễn cảnh mới mẻ. Vì vậy, doanh nhân Việt Nam thế hệ mới không chỉ là những nhà quản lý, họ là những người kiến tạo, những người dám ước mơ và hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Khởi nghiệp với Lê Công Thành không chỉ là tìm kiếm lợi nhuận mà còn là hành trình tìm kiếm những giá trị chung, tạo động lực phát triển bền vững cho cộng đồng. Với anh, thành công thực sự là khi những giá trị mà doanh nghiệp tạo ra không chỉ phục vụ cho riêng mình mà còn góp phần thay đổi xã hội.

Văn Hiền