Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra vào sáng nay (6/11), Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Đề cập đến những kết quả cụ thể, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các tòa án đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đẩy mạnh và tăng cường tranh tụng, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật; khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Từ ngày 1/7/2019 đến ngày 30/6/2023, các tòa án đã thụ lý 126 vụ với 375 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 114 vụ với 348 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; vi phạm các quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất - đạt tỷ lệ 90,5% về số vụ và 92,8% về số bị cáo, vượt 2,5% chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
100% vụ án liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Chất lượng giải quyết, xét xử được bảo đảm, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ "Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội" quy định tại Khoản 15 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay về công tác giải quyết, xét xử các loại án, từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 1.450.770 vụ việc; đã giải quyết 1.276.435 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hằng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%).
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Các tòa án đã giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 95% (vượt 7% chỉ tiêu Quốc hội giao); các vụ việc dân sự đạt tỷ lệ 86% (vượt 8% chỉ tiêu Quốc hội giao); các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 77,65% (vượt 17,65% chỉ tiêu Quốc hội giao).
Các tòa án đã chú trọng công tác hòa giải, đối thoại; hạn chế việc để các vụ việc quá thời hạn quy định; phối hợp với Viện kiểm sát các cấp tổ chức 37.281 phiên tòa rút kinh nghiệm. Từ đó, tỷ lệ và chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc không ngừng tăng lên qua các năm.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có tiến bộ. Năm 2022, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của hệ thống tòa án đã vượt 2,4% chỉ tiêu Quốc hội giao.
Công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ có kết quả tích cực. Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3 Pháp lệnh; đang nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 5 Nghị quyết. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 5 Thông tư.
Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì xây dựng 4 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 1 Thông tư liên tịch. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 70 án lệ.
Các tòa án tích cực tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Tính đến ngày 30/6/2023, có 682 Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 8.381 vụ án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho các bên liên quan khi tham gia tố tụng. Thông qua xét xử trực tuyến đã giúp tiết kiệm được tổng chi phí ước tính khoảng 45 tỷ đồng.
Về kết quả thực hiện và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3/2023. Trước các kỳ họp của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo kịp thời giải đáp, trả lời những kiến nghị của cử tri. Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, Tòa án nhân dân tối cao đã trả lời 100% các kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển cho Tòa án.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao xác định các giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện, gồm: Chỉ đạo hệ thống Tòa án thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc và các mặt công tác khác; đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; xây dựng, hoàn thiện thể chế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tòa án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của tòa án.
Hải Liên