Các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác dân vận. Ảnh Mod.gov.vn |
Trong những năm đổi mới vừa qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân ở các cấp nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng vào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng ở nhiều nơi chưa kịp thời, hiệu quả thấp; thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở còn hình thức; giải quyết những bức xúc trong đồng bào còn chậm, chưa thỏa đáng. Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng và các dân tộc ngày càng lớn. Một số “đạo lạ” xâm nhập ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và diễn biến ngày càng phức tạp. Cán bộ người dân tộc thiểu số nhìn chung thiếu và yếu. Công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực này chưa được chú trọng.
Nguyên nhân của hạn chế trên trước hết là do các cấp ủy, tổ chức đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo công tác này. Phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, điều hành của chính quyền còn chậm đổi mới. Phương pháp vận động, tập hợp đồng bào của mặt trận và các đoàn thể nhân dân chưa phù hợp với từng đối tượng, từng dân tộc, từng vùng miền. Việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo và xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ dân vận, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số chưa được đầu tư đúng mức.
Để thực hiện tốt Nghị quyết sô 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác dân vận, tạo bước chuyển biến mới trong công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân các cấp thực hiện tốt một số nội dung quan trọng sau đây:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kịp thời nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số; trên cơ sở đó có giải pháp xử lý phù hợp. Người đứng đầu cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp phải thường xuyên đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng chủ động định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp ủy, tổ chức đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao mức thu nhập; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng, tỉ lệ và cơ cấu hợp lý… Mỗi cấp ủy từ tỉnh đến huyện, xã phải phân công một đồng chí ủy viên ban thường vụ trực tiếp phụ trách công tác dân vận.
Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị về công tác giám sát, phản biện và vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác dân vận của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; sơ kết, tổng kết các chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; rà soát, ban hành và thực hiện tốt chính sách dân tộc.
Thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi những bất cập của hệ thống chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm tự nhiên và xã hội của từng vùng, từng dân tộc. Quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và nâng cao thu nhâp, ổn định đời sống.
Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Các cơ quan nhà nước phải tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách dân tộc ở cở sở; xây dựng và công khai quy định về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan nhà nước các cấp phải phân công lãnh đạo, phụ trách công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách dân tộc; đề cao trách nhiệm công tác dân vận của cán bộ chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác dân vận.
3. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cán bộ đoàn thể các cấp phải tăng cường tới cơ sở, bám sát cuộc sống người dân; tổ chức các hoạt động để hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên xóa đói, giảm nghèo, đổi mới tập quán sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện và chủ động tham gia xây dựng các chính sách có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số trước khi ban hành. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội với chính quyền, lực lượng vũ trang trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Đề cao và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào. Xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước của xã, thôn, bản, buôn, ấp để xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh phù hợp với từng địa phương, cơ sở.
Các phong trào thi đua vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần chú trọng tính thiết thực, hiệu quả; nội dung, hình thức thi đua phù hợp với điều kiện và văn hóa từng vùng; phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời.
4. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quan hệ thân tộc, đồng tộc của đồng bào vùng giáp biên giới của nước ta với các nước láng giềng, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tăng cường giao lưu hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa giữa nhân dân hai bên biên giới; thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng của mỗi bên; tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; đấu trang phòng, chống tội phạm, buôn lậu qua biên giới, nâng cao nhận thức của đồng bào vùng dân tộc thiểu số về chủ quyền lãnh thổ, ý thức bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Củng cố các cửa khẩu quốc gia, quốc tế bảo đảm việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân phù hợp với quy định của pháp luật nước ta và nước bạn.
Kịp thời phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và kích động gây chia rẽ dân tộc, chống Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân.