![]() |
Công tác phòng ngừa tội phạm cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân, bảo đảm sự bình yên cuộc sống. Ảnh: T. Luân |
Bộ Công an sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Báo cáo của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị chỉ đạo về công tác phòng ngừa tội phạm. Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác phòng ngừa tội phạm... Có thể khẳng định, các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã quy định đầy đủ, rõ nét về các nội dung liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm; thể hiện rõ phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân và là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cho đến nay, công tác phòng ngừa tội phạm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lực lượng công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp công tác, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, tăng cường công tác quản lý nhà nước; tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở... Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa xã hội cũng được tăng cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa tội phạm; kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, những nguyên nhân có thể làm nảy sinh tội phạm.
Mặc dù tình hình tội phạm thời gian qua được kiềm chế, số vụ phạm tội về hình sự liên tục được kéo giảm so với năm liền kề (năm 2018 giảm 0,61%, năm 2019 giảm 7,39%, năm 2020 giảm 5,43% và 10 tháng năm 2021 giảm 11,23% so với cùng kỳ năm 2020), nhưng công tác phòng ngừa tội phạm và tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 cũng tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội, an sinh xã hội, nguy cơ gia tăng tội phạm là rất lớn. Đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra cần có lời giải về mặt lý luận.
Các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là công tác phòng ngừa xã hội, hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; phân tích, đánh giá, nhận diện và dự báo tình hình tội phạm, nhất là những vấn đề phức tạp nổi lên cần tập trung giải quyết hiện nay về tội phạm hình sự, tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, tội phạm và vi phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma túy... từ đó, đề xuất các giải pháp phòng ngừa hiệu quả, phù hợp với tình hình hiện nay.
Lê Sơn