Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - ngôi trường có bề dày lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống giáo dục đại học hiện có ở Việt Nam về đổi mới đào tạo nhân lực y tế, góp phần đưa nền y học Việt Nam hòa nhập với nền y học các nước tiên tiến trên thế giới.
Đổi mới đào tạo trong y khoa là vấn đề thiết yếu
Xin Giáo sư (GS) chia sẻ về tính cấp thiết trong đổi mới đào tạo nâng cao chất lượng ngành y hiện nay?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Đổi mới đào tạo nói chung và đổi mới đào tạo trong y khoa là vấn đề thiết yếu của tình hình mới hiện nay. Tôi ví dụ, trước đây đa số người bệnh mắc các bệnh về truyền nhiễm, chấn thương nhưng bây giờ xuất hiện nhiều các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh xương khớp… Vì vậy, việc đào tạo cũng phải phục vụ cho sự thay đổi về mô hình bệnh tật. Bên cạnh đó, nhu cầu về chất lượng trong chăm sóc sức khỏe; yêu cầu về khám, chữa bệnh, phòng bệnh của người dân cũng đã khác. Nếu như trước đây, phương tiện, trang thiết bị ngành y không nhiều thì hiện nay khoa học kỹ thuật và công nghệ rất tiên tiến, điều này bắt buộc chúng ta cần đổi mới trong đào tạo.
Vậy Trường Đại học Y Hà Nội đã có những đổi mới như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế trong 6 năm qua?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Trường Đại học Y Hà Nội đã có nhiều chuyển đổi liên quan đến đào tạo trong 6 năm vừa qua. Trước đó, Nhà trường đã có 4-5 năm chuẩn bị các điều kiện cần thiết từ thay đổi nhận thức của lãnh đạo, thầy cô và cán bộ Nhà trường đến việc đi học tập, nghiên cứu mô hình đào tạo chuẩn quốc tế. Hiện nay, chúng tôi có các chương trình đổi mới như: Chương trình cử nhân điều dưỡng; Chương trình Bác sĩ răng hàm mặt; Chương trình đào tạo Bác sĩ đa khoa. Các chương trình này hiện đã đạt được những kết quả tích cực; các học viên khi ra trường đã thể hiện tư duy, tính phát hiện vấn đề và cách xử lý qua các sản phẩm của mình.
Ngoài ra, khi thay đổi toàn diện, Nhà trường chú trọng về năng lực nghiên cứu khoa học và ngoại ngữ của sinh viên. Điều này nhằm đào tạo những thế hệ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là khả năng hội nhập quốc tế.
Chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt và phải có duyên với nghề
Có thể thấy, thay đổi hoàn toàn một chương trình đào tạo đại học là rất khó khăn, phức tạp, nhất là đối với ngành y. Vậy, trong quá trình triển khai, Nhà trường gặp những khó khăn gì và kế hoạch trong thời gian tới như thế nào, thưa GS.?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Khó khăn thứ nhất đó là thay đổi nhận thức, thói quen của người dạy và người học. Cụ thể, người học phải có sự thay đổi lớn, từ chỗ học chủ yếu bị động thì bây giờ phải học chủ động, phải tự tìm tòi, đào sâu các vấn đề mới.
Khó khăn thứ hai, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng giáo trình mới để hỗ trợ dạy và học là khoản đầu tư rất lớn.
Khó khăn thứ ba là nguồn nhân lực, khi thay đổi toàn diện một nội dung, chương trình mới, đòi hỏi nguồn lực giảng viên lớn, các thầy cô phải được cử đi học tập và đào tạo về giáo dục y tế hiện đại, tiên tiến.
Trường Y khoa Hà Nội sau là Trường Y khoa Đông Dương và đến nay là Trường Đại học Y Hà Nội là một trong những trường đại học ra đời sớm nhất và đào tạo chất lượng cao trong ngành y tế ở Việt Nam. Chính vì vậy, mục tiêu của Nhà trường không chỉ đào tạo nguồn nhân lực y bác sĩ giỏi trong nước mà còn hướng tới tầm quốc tế. Do vậy, việc đổi mới đào tạo là một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu này. Sau 3 chương trình đào tạo đang triển khai, chúng tôi sẽ tiếp tục có các dự án khác như Chương trình đào tạo sau Đại học.
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, GS. có nhắn gửi gì tới đội ngũ những người đang học tập và công tác trong ngành y ?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Là một bác sĩ - người dạy và hàng ngày cũng đang thực hành, tôi nghĩ rằng để làm được ngành y, trước hết cần có chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, ngoài ra cũng cần có duyên với nghề này. Bởi, y tế là nghề khó khăn hơn so với những ngành nghề khác. Và khi đã và đang được làm việc, học tập trong môi trường ngành y thì hãy tự hào và trân trọng với nghề cao quý này.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Trần Long (thực hiện)