In bài viết

Đổi mới giáo dục: Bắt đầu từ công tác bồi dưỡng giáo viên

(Chinhphu.vn) - Sự đổi mới trong giáo dục là cần thiết, trong đó cần bắt đầu đổi mới từ chính người thầy và công tác bồi dưỡng đào tạo giáo viên.

26/08/2021 16:03

Mỗi thầy, cô phải tự nâng cao năng lực CNTT của bản thân - Ảnh minh họa

Với Chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên được bồi dưỡng theo Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) của Bộ GD&ĐT. Thay vì phải tập trung từng đợt theo kiểu “hội nghị” như trước đây, giáo viên được tham gia mô hình bồi dưỡng mới, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, chuyển từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và giáo viên cốt cán.

Bước vào năm học mới, đến thời điểm này, cô Hoàng Thị Điệu, giáo viên Trường Tiểu học Chè Lỳ (Bảo Lâm, Cao Bằng) đã hoàn thành các chương trình bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng tiến độ của Bộ GD&ĐT. Cô Điệu chia sẻ, công tác tại bản vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận thông tin còn rất nhiều khó khăn nên khi bước vào Chương trình mới, cô không khỏi lo lắng, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn kết hợp trực tuyến và trực tiếp, giờ đây cô đã tự tin với những thay đổi này.

Giáo viên cũng phải học thật, thi thật

Cô Hoàng Thị Điệu cho biết đây cũng là lần đầu tiên cô được tập huấn trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. “Điểm trường tôi công tác chỉ có một vài thầy, cô. Các giáo viên ở đây cắm bản lâu năm, ít có cơ hội ra ngoài học hỏi. Thi thoảng, chúng tôi vẫn có những tiết dự giờ chéo để chia sẻ kinh nghiệm nhưng cũng không có nhiều nội dung, phương pháp mới để cùng trao đổi. Khi chúng tôi tự học trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS), mỗi bài học đều có các video hướng dẫn rất cụ thể cùng giáo viên cốt cán nhiệt tình hỗ trợ bất cứ khi nào cần. Thầy cô tham gia vào hệ thống LMS cũng cùng nhau lập các nhóm trên Zalo để trao đổi nghiệp vụ. Không chỉ giới hạn trong một xã, một huyện, mà chúng tôi được trao đổi với những giáo viên toàn tỉnh, thậm chí cả những tỉnh, thành phố khác”, cô Điệu chia sẻ.

Việc tự bồi dưỡng trên hệ thống LMS giúp cô Hoàng Thị Điệu chủ động hơn về thời gian học tập, có thể học bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Thay vì phải tham gia những buổi tập huấn hàng trăm người tại trung tâm hay đi hàng chục cây số đường rừng như trước, giờ đây, cô Điệu có thể tập huấn ngay tại trường hoặc tại nhà.

Với phương thức bồi dưỡng mới này, cô Điệu cho biết, giáo viên sẽ học theo từng module, kết thúc mỗi phần đều có các bài kiểm tra đánh giá và chấm điểm, giáo viên phải đạt điểm chuẩn thì mới có thể học modul tiếp theo. Bởi vậy, giáo viên phải học thật, thi thật, không có chuyện chỉ tham gia tập huấn mang tính hình thức như trước đây.

Tăng cường tính tự chủ, tự học của giáo viên

Thầy Lê Ngọc Chiến, giáo viên Vật lý Trường THPT Tĩnh Gia II (Thanh Hóa) cho rằng, sự đổi mới trong giáo dục là cần thiết, trong đó, cần bắt đầu đổi mới từ chính người thầy và công tác bồi dưỡng đào tạo giáo viên. Sau 12 năm công tác, lần đầu được tập huấn theo mô hình bồi dưỡng mới thuộc Chương trình ETEP, thầy Chiến ủng hộ việc này bởi có thể giúp giáo viên học mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm chi phí đi lại. Bên cạnh đó, các modul bài giảng cũng được thiết kế linh hoạt, phù hợp, tránh hình thức, chiếu lệ.

Theo thầy Chiến, bồi dưỡng theo mô hình mới giúp thúc đẩy tính tự chủ, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của giáo viên. Ngoài ra, luôn có giáo viên cốt cán cùng đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ giáo viên đại trà bất cứ khi nào. “Bất kể ngày thường hay cuối tuần, ban ngày hay buổi tối muộn, giáo viên cốt cán vẫn rất tận tình giúp đỡ, hướng dẫn giáo viên đại trà qua nhiều kênh khác nhau…”.

Khi chuyển sang bồi dưỡng trực tuyến trên LMS, mọi giáo viên đều có cơ hội tiếp cận tài liệu bình đẳng như nhau, có thể học mọi lúc, mọi nơi, tránh tình trạng “tam sao thất bản” như cách bồi dưỡng trước đây. Việc ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng không chỉ tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình tiếp cận bài học mà còn thúc đẩy mỗi thầy, cô phải tự nâng cao năng lực CNTT của bản thân để đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Nhật Nam