In bài viết

Đổi mới hơn nữa việc trọng dụng nhân tài

(Chinhphu.vn) - Vai trò của nhân tài đối với sự thịnh suy của quốc gia, trọng dụng nhân tài nhằm góp phần phát triển đất nước luôn là vấn đề lớn thu hút được sự chú ý của toàn xã hội.

27/09/2011 17:07

Ảnh: Chinhphu.vn

Hội thảo “Vai trò của nhân tài đối với sự thịnh suy của đất nước: Kinh nghiệm lịch sử và các khuyến nghị đối với Việt Nam” do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam tổ chức ngày 27/9 đã góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến việc trọng dụng nhân tài, tìm giải pháp cho công tác sử dụng nhân tài ở nước ta trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam Lê Văn Cương, để tạo chuyển biến có tính bước ngoặt trong việc trọng dụng nhân tài, cần đổi mới hơn nữa tư duy về vai trò của nhân tài đối với hưng vong, thịnh suy của đất nước. Đồng thời, xây dựng chiến lược quốc gia để thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài giai đoạn 2011-2030.

Quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ cũng còn những mặt hạn chế, vì thế, không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp.

Giáo sư  Chu Hảo cho rằng, khâu tuyển chọn và sử dụng cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo hay nhân tài trong lĩnh vực quản lý các cấp luôn phải được chú trọng và có cái nhìn chính xác. Muốn vậy phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: trọng dụng hiền tài, người có đức có tài hơn phải được xếp ở cương vị cao hơn và phải lựa chọn công việc thích hợp cho từng người.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần lựa chọn những trí thức đáng tin cậy, giao cho họ những trách nhiệm cụ thể để họ có điều kiện cống hiến hết sức mình.

Một vấn đề khác, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quang Nhiếp là tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn diễn ra nhiều, hơn nữa chủ nghĩa cơ hội, cá nhân đã dẫn đến nhiều tiêu cực trong công tác cán bộ, làm mất đi khả năng đóng góp cho đất nước của người tài.

Theo Giáo sư Trần Quang Nhiếp, để khắc phục tình trạng trên, có nhiều việc phải làm mà trước hết là đổi mới toàn diện giáo dục – đào tạo, đặc biệt đổi mới việc giáo dục đào tạo nhân tài từ bậc tiểu học đến các bậc trên đại học và các ngành lĩnh vực, gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đồng thời, có chủ trương chính sách cụ thể xác định và phát hiện nhân tài trong các tầng lớp nhân dân; đổi mới công tác cán bộ thực sự khách quan, công khai minh bạch; có cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân thực thi kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, có chế tài xử lý nghiêm minh những vi phạm công tác cán bộ…

Mai Chi