In bài viết

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT từ góc nhìn các Hiệu trưởng

(Chinhphu.vn) - Theo ý kiến của nhiều thầy cô, giáo đang giữ cương vị quản lý tại các trường THPT, việc đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT hiện nay là cần thiết và có thể áp dụng ngay trong năm 2014, tuy nhiên cần lựa chọn phương án sao cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

06/01/2014 16:11

Các phương án thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra nhận được sự quan tâm của nhiều thầy, cô giáo đang giữ cương vị quản lý của các trường THPT ở các địa phương.

Ngoại ngữ, hành trang cần thiết  để hội nhập

Đây là quan điểm của bà Hà Thị Điểm, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường THPT Thái Phiên, TP. Đà Nẵng. Bà Điểm cho biết, cá nhân bà ủng hộ phương án thi 5 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và sẽ có 2 môn tự chọn.

Dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ giảm số môn thi - Ảnh minh hoạ

Theo bà  Điểm, việc không đưa môn ngoại ngữ vào thi tốt nghiệp sẽ không phù hợp với yêu cầu giáo dục hiện nay. “Ngoại ngữ là hành trang cần thiết và không thể thiếu của mỗi học sinh, nhất là trong thời kỳ đất nước hội nhập như hiện nay. Nếu không đưa ngoại ngữ vào môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp sẽ dẫn đến tâm lý không chú trọng học ngoại ngữ trong học sinh. Học sinh có thể học giỏi trong lĩnh vực này hoặc lĩnh vực khác nhưng nếu không biết ngoại ngữ thì sẽ trở nên tụt hậu”, bà Điểm bày tỏ.

“Về lâu dài, tôi ủng hộ phương án thi Ngoại ngữ bắt buộc, bởi vì trên đường hội nhập quốc tế và khu vực, môn Ngoại ngữ sẽ là vốn ban đầu để tạo sự tự tin cho học sinh”, đây là ý kiến của ông Trần Văn Chính, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Long An (tỉnh Long An).

Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, nhiều địa phương còn hạn chế trong việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ, nên ông Chính cho rằng giải pháp trước mắt của kỳ thi năm 2014 là thi theo phương án 4 môn, trong đó có 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán.

Ủng hộ phương án đề xuất  môn ngoại ngữ không nằm trong số môn bắt buộc cũng như tự chọn, nhưng học sinh có thể đăng ký thi Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích, GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (TP. Hà Nội), phân tích: “Nếu quy định như vậy thì chắc chắn 100% số học sinh vẫn thi thêm môn ngoại ngữ vì chẳng mất gì và không tạo áp lực, vì nếu đạt điểm từ trung bình trở lên sẽ được cộng điểm xét tốt nghiệp. Như vậy vô hình chung số môn thi tốt nghiệp sẽ là 5 chứ không phải là 4. Bộ nên nghiên cứu để môn ngoại ngữ là một trong những môn thi tự chọn”.

Miễn thi tốt nghiệp một số đối tượng, nên hay không?

Về phương án ngoài diện học sinh được miễn thi theo quy chế thi hiện hành, có thể các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt cũng sẽ được miễn thi và tỷ lệ miễn thi chung tối đa là 20%, PGS Văn Như Cương cho rằng, để có thể quyết định về thay đổi lớn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra được những tiêu chí cơ bản nhất để xác định học sinh nào được miễn thi, tiêu chí này sẽ làm cơ sở cho các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng tiêu chí miễn thi cho các trường tùy theo đặc thù của từng địa phương.

Ngoài ra, theo PGS Văn Như Cương, thay đổi điểm trung bình lớp 12 không phải quá khó. Nếu để các trường tự đánh giá thì sẽ không hiếm trường có tới 60 - 70% học sinh giỏi.

“Do vậy, khâu kiểm tra, đánh giá định kỳ của cả quá trình học phải làm thật chặt chẽ, có tiêu chí và kiểm tra, giám sát thường xuyên, công khai hơn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh”.

Còn bà Hà Thị Điểm, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường THPT Thái Phiên (TP. Đà Nẵng) lại cho rằng tất cả học sinh học xong chương trình THPT đều phải tham gia dự thi tốt nghiệp THPT, trừ trường hợp bất khả kháng như ốm đau, tai nạn. Việc đưa ra con số 20% học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt được miễn thi là không cần thiết vì với cá nhân các học sinh này, việc thi tốt nghiệp hoàn toàn không khó khăn mà sẽ chỉ giúp các em củng cố thêm kiến thức.

Thêm vào đó, việc miễn thi tốt nghiệp như vậy sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực không mong muốn. Bà Điểm đưa ví dụ, nếu con số 20% này được giao cho mỗi địa phương, sẽ dẫn đến hiện tượng các trường “giành nhau” chỉ tiêu này. Trong khi đó, chất lượng học sinh mỗi trường không đồng đều, vì vậy sẽ dẫn đến sự phân biệt trong các trường.

Ngoài ra chính các phụ huynh cũng sẽ chạy  đua để kiếm cho con mình “suất” trong số 20% được miễn thi tốt nghiệp. Điều này sẽ không tránh khỏi những tiêu cực trong trường lớp.

 “Chưa nên thực hiện miễn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh vì điều kiện thực tế hiện nay khó có thể đảm bảo tính khách quan và độ chính xác cao”, là quan điểm của ông Trần Văn Chính, Hiệu trưởng THPT Chuyên Long An (tỉnh Long An).

Vẫn còn băn khoăn…

Theo ông Bùi Văn Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hải Phòng), hai phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là việc giảm môn thi tốt nghiệp đối với học sinh, chưa làm thay đổi cơ bản của việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp.

Theo ông Phú, nên sử dụng kết quả học tập và rèn luyện trong 3 năm học ở cấp THPT để công nhận và xếp loại tốt nghiệp cho học sinh. Lý do là, việc theo dõi và đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh trong suốt 3 năm học sẽ chính xác hơn việc đánh giá và xếp loại qua một kỳ thi, mà độ chính xác và tin cậy đang ở mức độ thấp như hiện nay. Tỉ lệ tốt nghiệp rất cao nhưng kết quả tốt nghiệp chệnh lệch rất xa so với trình độ thực tế của học sinh.

“Nếu vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay (kể cả việc giảm bớt môn thi), chưa hẳn sẽ mang lại hiệu quả cao và đáp ứng được những mục tiêu mà kỳ thi tốt nghiệp cần phải có”, ông Phú băn khoăn.

Còn theo ông Lê Duy Nam, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Thái Nguyên), nên chăng giao cho Hiệu trưởng các trường THPT tự tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp và chịu trách nhiệm về kết quả đó. Hàng năm, sau các kỳ thi Đại học, Cao đẳng, THCN, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá hiệu quả đào tạo của nhà trường dựa trên kết quả của số học sinh dự thi Đại học, Cao đẳng, THCN.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ  chức và công dân