In bài viết

Đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới

(Chinhphu.vn) - Ngày 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp.

17/12/2024 12:39
Đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Năm 2024, công tác xây dựng pháp luật ngày càng chủ động, tích cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực để phát triển - Ảnh: VGP/LS

Nhiều thành tựu trong công tác xây dựng pháp luật

Tham dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Phạm Gia Túc; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông; đại diện các Ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương và Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự toàn quốc.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, công tác xây dựng pháp luật ngày càng chủ động, tích cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực để phát triển.

Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng.

Năm 2024, Bộ Tư pháp, cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 05 nghị quyết quy phạm. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết. Bên cạnh đó, toàn ngành đã tham mưu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 832 VBQPPL; cơ quan tư pháp tại địa phương đã phối hợp tham mưu ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã.

Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL được chú trọng, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để quyết định ban hành văn bản.

Năm 2024, Bộ Tư pháp đã thẩm định 209 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 692 văn bản; các địa phương đã thẩm định đối với 365 đề nghị xây dựng VBQPPL và 8.058 dự thảo VBQPPL.

Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật

Bộ Tư pháp đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPLnhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật. 

Từ kết quả rà soát đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành 03 luật sửa đổi 13 luật trong lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. 

Năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 VBQPPL. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản. Các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 VBQPPL.

Đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID và được người dân đón nhận tích cực - Ảnh: VGP/LS

Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024-2030”; Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”; các hoạt động PBGDPL triển khai với nhiều mô hình mới, tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách qua mạng xã hội; các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 được tổ chức rộng rãi từ trung ương đến cơ sở, truyền tải mạnh mẽ thông điệp thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đến toàn dân.

Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc và tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Việc theo dõi thi hành án hành chính ngày càng hiệu quả hơn. Các cơ quan đã thi hành xong 896 bản án, quyết định hành chính (tăng 314 so với năm 2023).

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID và được người dân đón nhận tích cực. Trong gần 02 tháng thực hiện thí điểm, đã cấp 70.000 Phiếu LLTP điện tử (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số hồ sơ cấp Phiếu LLTP trên toàn quốc).

Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm tiếp tục dẫn đầu trong nhóm thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình được ưa thích, với tỷ lệ thực hiện trực tuyến chiếm 87%.

Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Công tác xây dựng ngành, kiện toàn tổ chức, bộ máy được triển khai quyết liệt; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp được quan tâm, chú trọng…

Đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và đại biểu chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: VGP/LS

Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2025

Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới".

Bộ Tư pháp sẽ tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV). Dự thảo Luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; cải tiến quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp hơn, khoa học hơn, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật.

Đặc biệt, tham gia vào cuộc "cách mạng" tinh gọn bộ máy, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xây dựng các VBQPPL phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần "tinh, gọn, mạnh".

Thứ hai, thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo tinh thần "không làm không được, khó mấy cũng phải làm", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung". Cơ cấu, tổ chức mới của Bộ Tư pháp đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của Bộ, ngành, trong đó từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, trợ lý ảo phục vụ xây dựng và rà soát pháp luật; chú trọng xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện và kết nối, chia sẻ các hệ thống, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp.

Thứ tư, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thứ năm, tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ sáu, chú trọng phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về pháp luật. Tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ nhất.

Thứ bảy, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2025, đồng thời chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, các vụ việc được xã hội quan tâm.

Lê Sơn