In bài viết

Đời sống đồng bào và an sinh xã hội các dân tộc thiểu số được bảo đảm

(Chinhphu.vn) - Sáng 19/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

19/01/2022 11:41
Đời sống đồng bào và an sinh xã hội các dân tộc thiểu số được bảo đảm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc điều hành Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cùng lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương và lãnh đạo 52 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự hội nghị trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Năm 2021, Ủy ban Dân tộc (UBDT) được giao nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 chương trình, đề án, chính sách dân tộc. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Sự ủng hộ, hợp tác tích cực của các tỉnh, thành. Sự lãnh đạo thường xuyên của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Ủy ban Dân tộc, sự giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. 

Ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố luôn chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách dân tộc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), kịp thời hỗ trợ đồng bào DTTS bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh…

Về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố với một số kết quả nổi bật như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kết quả thực hiện các chương trình, chính sách đặc thù dân tộc của địa phương. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật. Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo đảm, các vấn đề về an sinh xã hội được quan tâm thực hiện…

Tuy nhiên, năm 2021, vùng đồng bào DTTS và miền núi chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai, dịch bệnh, thời tiết cực đoan. Thiệt hại về người đã làm 92 người chết, 79 người bị thương, gần 1.000 căn nhà bị sập hoàn toàn và hư hỏng, hơn 30.000 gia súc, gia cầm bị chết.

Năm 2022, Ủy ban Dân tộc tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả.

Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chương trình, chính sách dân tộc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, kịp thời cung cấp thông tin về công tác dân tộc, nhất là các điểm nóng về an ninh trật tự, thiên tai, dịch bệnh, môi trường; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ…

Đời sống đồng bào và an sinh xã hội các dân tộc thiểu số được bảo đảm - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, Uỷ ban Dân tộc đề ra các giải pháp lớn như: Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị, Ban Dân tộc các địa phương. Phát huy vai trò của người đứng đầu và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng các đề án chính sách về công tác dân tộc. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết: Đến nay nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi ở địa phương đạt 100% góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của bà con đồng bào DTTS và miền núi. Ban hành đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là triển khai nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2022 và các năm tiếp theo, có hướng dẫn cụ thể về vị trí việc làm đối với cán bộ làm công tác dân tộc tại các huyện không có phòng Dân tộc

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025. Sớm phân bổ kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương triển khai thực hiện…

Năm 2021, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III.

Lê Sơn