Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược năm 2018, quan hệ hai nước đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, mang tầm chiến lược trên tất cả các lĩnh vực.
Điển hình trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, Việt Nam nổi lên trở thành một nền kinh tế năng động ở châu Á với thị trường phát triển nhanh chóng và lực lượng lao động cạnh tranh. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 13,8 tỷ USD vào năm 2023, đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Australia.
Quan hệ đầu tư giữa hai nước cũng khởi sắc và còn nhiều tiềm năng, với gần 600 dự án đầu tư của Australia vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt khoảng hơn 2 tỷ USD và đầu tư của Việt Nam vào Australia đạt 600 triệu USD.
Australia vẫn luôn là một trong những đối tác viện trợ không hoàn lại song phương lớn nhất cho Việt Nam, với nguồn vốn ODA đạt mức 92,8 triệu AUD mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023. Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân cũng đóng vai trò thiết yếu giúp thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Cộng đồng người Việt tại Australia hiện nay lên tới khoảng 350.000 người, đóng góp hết sức tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội sở tại và trở thành cầu nối quan trọng, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau về văn hóa và hợp tác kinh tế giữa hai nước. Những năm gần đây, Australia là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất đối với du học sinh Việt Nam với hơn 32.000 sinh viên và nghiên cứu viên Việt Nam tại Australia.
Hai nước cũng chia sẻ và hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, đặc biệt trong hợp tác ASEAN và tiểu vùng Mekong.
Nói một cách khái quát như Tuyên bố chung 7/3 đã nêu, quan hệ hữu nghị, hợp tác hai nước đã phát triển vững chắc, toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau, được củng cố thông qua sự bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế, sự tương đồng về lợi ích và gắn kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước.
Tuyên bố chung 7/3 về thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia là kết quả và bước phát triển tự nhiên, hợp lý của chặng đường 50 năm qua, phù hợp với nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chung của hai nước.
Đây là khuôn khổ quan hệ quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của hai nước. Việt Nam có cơ hội và điều kiện đưa quan hệ với Australia, đối tác có tầm quan trọng chiến lược, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao uy tín, vị thế đất nước, như tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII 13 của Đảng.
Với Australia, đó là cơ hội tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam, một trong những đối tác hàng đầu trong khu vực, thông qua đó tăng cường quan hệ với ASEAN và các nước trong khu vực nói chung, tranh thủ những cơ hội hợp tác mới để nâng cao vị thế, vai trò của Australia ở khu vực.
Cũng như bất cứ một mối quan hệ nào khác, việc nâng cấp giúp hai nước tăng cường tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau; sẽ tạo động lực tích cực, nâng cao đồng thuận ở mỗi nước, tạo điều kiện huy động và tập trung nguồn lực cho các ưu tiên hợp tác mà hai bên cùng có lợi, đặc biệt về kinh tế, khoa học-công nghệ, phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới.
Có thể thấy, 6 lĩnh vực ưu tiên của khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện thể hiện kỳ vọng phát triển hơn nữa về cả chất và lượng so với 5 lĩnh vực ưu tiên của khuôn khổ Đối tác Chiến lược 2018.
Nổi bật nhất là tinh thần của hợp tác vì phát triển nhanh, bền vững, của gắn kết kinh tế, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đây có thể coi là một trong những ưu tiên cao và động lực mang ý nghĩa chiến lược của quan hệ hai nước.
Ngoài ra, về quốc phòng-an ninh, hai bên sẽ mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin và tình báo. Những nội dung hợp tác này đều được đề cập trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam với nhiều đối tác khác nhau, là sự tiếp nối của khuôn khổ Đối tác Chiến lược thiết lập năm 2018 và tiếp tục được thúc đẩy với mục đích duy nhất là đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn của khu vực, quốc tế do tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, khủng bố, di cư bất hợp pháp, an ninh hàng hải… tiếp tục là những thách thức lớn với cộng đồng quốc tế. Vì vậy không thể xem các hoạt động hợp tác này là liên minh, liên kết làm tổn hại lợi ích của bên thứ ba nào.
Việc thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Australia cùng 6 trong số các cường quốc hàng đầu thế giới và là đối tác hàng đầu của Việt Nam (gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản) một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn và là một kết quả quan trọng nổi bật của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chính sách quốc phòng "bốn không" của Việt Nam.
Kết quả đó cùng với việc chủ động, tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác lớn, quan trọng, các nước bạn bè truyền thống đã củng cố cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII 13, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhìn rộng hơn trong bối cảnh khu vực, quốc tế có nhiều chuyển dịch, biến động phức tạp, đa chiều, khó lường kéo theo sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các nước và đối với chủ nghĩa đa phương, các thể chế quản trị khu vực và toàn cầu, luật pháp quốc tế, nỗ lực tăng cường lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và Australia cũng như với các đối tác khác không chỉ mang tầm vóc song phương, mà còn góp phần nhân rộng "câu chuyện thành công", tạo hiệu ứng lan tỏa, đóng góp vào khôi phục, tăng cường lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững.
Cùng xây dựng tầm nhìn chung về khu vực
Việc một số ý kiến xem khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương đơn thuần, như "đấu trường" của các nước lớn, hoặc một không gian địa chính trị để cạnh tranh quyền lực sẽ không có lợi cho mong muốn chung về an ninh toàn diện, phát triển bền vững, bao trùm, tự cường, lấy con người làm trung tâm. Không có hòa bình, ổn định thì không thể và không có điều kiện, nguồn lực để phát triển bền vững,
Những nguyên tắc chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực trong Tuyên bố chung 7/3 cũng chính là những nguyên tắc phổ quát trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế được phản ánh trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố chung Melbourne kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN -Australia. Đó chính là nguyện vọng chung, là "câu chuyện mới" mà các nước muốn kể nhằm truyền tải thông điệp về một khu vực hòa bình, ổn định, tự cường và thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, tích cực đối thoại và xây dựng lòng tin, giảm leo thang căng thẳng, có những bước tiến tích cực để duy trì môi trường ngăn ngừa xung đột.
Bằng cách thúc đẩy một tầm nhìn mới, xem khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương dựng như một ngôi nhà chung của nhiều quốc gia đa dạng, cùng chung sống hòa bình trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và luật pháp quốc tế, hai nước Việt Nam và Australia cùng các đối tác có thể ươm mầm cho một tương lai bền vững và công bằng, nơi mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có tiếng nói và có quyền được phát triển, thịnh vượng.
TS. Vũ Lê Thái Hoàng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao