In bài viết

Đối thoại của Thủ tướng mang tính chiến lược, làm sâu sắc quan hệ hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, đối thoại mang tính chiến lược và định hình cho tương lai giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo LHQ tại Mỹ thời gian vừa qua có ý nghĩa quan trọng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Bài viết Thùy Dung

29/05/2022 07:23
Đối thoại của Thủ tướng tại LHQ mang tính chiến lược, làm sâu sắc quan hệ hợp tác hai bên - Ảnh 1.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam - Ảnh VGP/Thùy Dung

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về kết quả nổi bật trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại LHQ, bà Caitlin Wiesen nhận định, cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng và kịp thời khi UNDP tại Việt Nam bắt đầu triển khai văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2022-2026.

Đây cũng là thời điểm quan trọng khi Việt Nam triển khai chương trình phục hồi nền  kinh tế sau đại dịch COVID-19 và quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch như than, xăng, dầu, khí thiên nhiên, sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner, Thủ tướng đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNDP trong thời gian gần đây, nhất là trong các lĩnh vực phát triển xanh và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với UNDP nhằm tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và tham vấn về các vấn đề chính sách liên quan đến các lĩnh vực như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, carbon trung tính và phục hồi sau đại dịch.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner tái khẳng định cam kết và quan hệ đối tác giữa hai bên nhằm hiện thực hóa những kỳ vọng cao mà Chính phủ Việt Nam dành cho UNDP, trong đó có việc hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đối thoại của Thủ tướng tại LHQ mang tính chiến lược, làm sâu sắc quan hệ hợp tác hai bên - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

LHQ đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển

Theo bà Caitlin Wiesen, với hơn ba thập kỷ duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Lần đầu tiên vào năm 2019, Việt Nam lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia với Chỉ số phát triển con người là 0,704.

"UNDP đã và đang là đối tác tin cậy, lâu năm gắn bó với Việt Nam, cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển vượt bậc. Chúng tôi đánh giá cao cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở cấp khu vực và toàn cầu trong việc thúc đẩy các ưu tiên đối với hòa bình và an ninh cũng như các chương trình nghị sự về an ninh khí hậu", Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

Trong đó, UNDP đã hỗ trợ Việt Nam trong việc dẫn dắt và vận động cho các chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình, an ninh khí hậu và rà phá bom mìn khi Việt Nam giữ vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình nghị sự tại các diễn đàn cấp quốc gia và quốc tế.

Thêm vào đó, UNDP cũng đang tăng cường hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa các cam kết của mình đối với các hiệp ước nhân quyền với mong muốn rằng Việt Nam sẽ ứng cử thành công vào Hội đồng Nhân quyền LHQ vào năm 2023.

Vừa qua, Chính phủ Việt Nam, UNDP và Chính phủ Na Uy đã phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hút sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng và chuyên gia từ 44 quốc gia.

Hội nghị là minh chứng rõ nét về cam kết của Việt Nam trong việc ưu tiên giải quyết các vấn đề toàn cầu liên quan tới con người và hành tinh. Tuyên bố chung toàn diện và đầy tham vọng đạt được vào cuối Hội nghị sẽ có đóng góp lớn cho Hội nghị Đại dương LHQ lần thứ 4 sẽ diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha và Hội nghị Stockholm+50 tại Thụy Điển vào tháng 6 tới.

Theo bà Caitlin Wiesen, cam kết trung hòa carbon của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tạo cơ hội tuyệt vời cho việc thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng một cách toàn diện và công bằng tại Việt Nam.

Phía UNDP hoan nghênh Việt Nam đã ngay lập tức rà soát và điều chỉnh các chiến lược và kế hoạch phát triển của mình phù hợp với các mục tiêu mới về biến đổi khí hậu để thực hiện cam kết trung hòa carbon. UNDP đã và đang làm việc với phía Việt Nam về việc triển khai thế hệ chiến lược mới, trong đó có Chiến lược Biến đổi Khí hậu và Quy hoạch điện VIII.

UNDP tiếp tục tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để mở rộng quy mô các giải pháp sáng tạo đã được thử nghiệm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, với mục tiêu giảm một nửa số hộ nghèo và cận nghèo vào năm 2025.

UNDP và các cơ quan khác của LHQ đã và đang hỗ trợ kỹ thuật để củng cố và mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam. Phía UNDP và các đối tác tập trung vào phương pháp tiếp cận vòng đời, phạm vi bao phủ toàn cầu, đăng ký điện tử, quản lý và cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội như chìa khóa để xây dựng một hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện, nhiều tầng và thích ứng cho mọi người dân Việt Nam.

Đối thoại của Thủ tướng tại LHQ mang tính chiến lược, làm sâu sắc quan hệ hợp tác hai bên - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner mong Việt Nam là hình mẫu châu Á-Thái Bình Dương, giúp các nước cần đầu tư, chuyển đổi năng lượng, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cam kết hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch một cách bền vững và bao trùm

Đầu năm nay, Ban điều hành UNDP đã thông qua Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam (giai đoạn 2022-2026) với tổng vốn tài trợ hơn 121 triệu USD. Chương trình này phù hợp với các ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.

Chương trình này tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm bao gồm, thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế bền vững; biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu với thiên tai và tính bền vững của môi trường; quản trị công và khả năng tiếp cận công lý.

UNDP đang làm việc với các đối tác tại Việt Nam để đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch nhằm hướng đến sự phát triển lâu dài, công bằng, bao trùm và bền vững.

Việt Nam là quốc gia đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và đạt được nhiều cải thiện về chỉ số chất lượng cuộc sống như tiếp cận nước sạch và vệ sinh. Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để đạt được bước tiến lớn hơn trong việc cải thiện chỉ số môi trường như bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, nước và đánh bắt cá quá mức.

UNDP đang làm việc với Chính phủ để bảo đảm rằng các lợi ích của tăng trưởng được phân phối rộng khắp và mọi công dân Việt Nam đều được tiếp cận với nền giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hệ thống bảo trợ xã hội đẳng cấp thế giới.

Việt Nam cần phải điều chỉnh lại chính sách phát triển sau khi đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Việc điều chỉnh này sẽ có tác động lớn đến các kế hoạch và chiến lược kinh tế, đồng thời đòi hỏi sự gia tăng đáng kể trong đầu tư công và tư nhân. UNDP sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế để Chính phủ Việt Nam đưa ra các lựa chọn về chính sách và tài chính hợp lý nhằm tận dụng giá trị của tài sản công, quản lý rủi ro và chuyển hướng nguồn lực cho các mục đích sản xuất.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc UNDP, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu lấy người dân làm trung tâm cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Hai bên nhất trí rằng UNDP có thể hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 một cách bền vững và bao trùm.

Điều này bao gồm việc xây dựng một chiến lược tài chính sáng tạo nhằm tối đa hóa các nguồn lực công và tư, trong nước và ngoài nước; thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số để mọi công dân đều có thể hưởng lợi từ Chính phủ trực tuyến và các dịch vụ khác; thực hiện kịch bản xanh lam trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam, gồm 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt; hiện đại hóa và mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội để nâng cao khả năng thích ứng và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Dựa trên những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua và cam kết đối với tăng trưởng bền vững, UNDP tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đi đầu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững với mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau./.

Thùy Dung