Đại tướng Ngô Xuân lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2019 - Ảnh: QĐND |
Hàng loạt các bài phát biểu chính sách đã được đưa ra nhằm bảo đảm một khu vực thịnh vượng và an ninh, trong đó có bài phát biểu “Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng” của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Bài khai mạc của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lần này là một bức tranh rõ nét nhất về khu vực với các cơ hội và thách thức phải đối mặt. Trong đó đặc biệt phải kể đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến môi trường quốc tế trong nhiều năm tới.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Trung Quốc và Mỹ đang có những bước đi làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt là vấn đề thương mại. Nếu hai bên không hạ nhiệt những căng thẳng, khi đó bất đồng sẽ không được giải quyết và hậu quả sẽ lớn hơn, không chỉ là vấn đề GDP mà là cả quan hệ song phương.
Thủ tướng Singapore cũng chỉ rõ vấn đề đang còn tồn tại giữa hai nước: “Vấn đề cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc đó là sự thiếu lòng tin chiến lược lẫn nhau. Hai bên thiếu thỏa hiệp và tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo con đường này sẽ là sai lầm cho cả hai bên. Sẽ khó có khả năng Mỹ - Trung không có bất đồng nhưng nếu không kiểm soát đối đầu xảy ra thì hậu quả sẽ rất lớn”.
Và đúng như nhận định của Thủ tướng nước chủ nhà, "chiếm sóng" các phiên thảo luận trong 2 ngày đối thoại là các bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc với những lời chỉ trích nhằm vào nhau.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan chỉ trích Trung Quốc đã có hành vi không tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế trên các khu vực biển tranh chấp. Trong đó có việc ngăn chặn nguồn sinh kế của ngư dân khi cấm họ tiếp cận vùng biển mà họ và tổ tiên của họ đã đánh bắt qua nhiều thế hệ, thiết lập các vùng cấm bay trên các vùng biển. Điều này là không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng chỉ trích Mỹ đã có một loạt các hành động và bình luận tiêu cực đối với các vấn đề liên quan đến Đài Loan, vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc, gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và hòa bình, ổn định khu vực. Bất chấp căng thẳng như vậy, nhưng rõ ràng hai bên đều phải thừa nhận, ngăn ngừa xung đột không chỉ có lợi cho hai nước mà còn cho cả khu vực và thế giới.
Để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan cũng đã đề cập tầm nhìn của Mỹ tại khu vực, không chỉ là đối thoại cải thiện quan hệ với Trung Quốc mà phải dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các quốc gia; giải quyết tranh chấp hòa bình; thương mại tự do và tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực.
Các tham luận của nhiều đại biểu tại Đối thoại Shangri-la lần này đều khẳng định, việc ứng xử, hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới. Chính vì vây, phải giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình và đối thoại.
Phát biểu tại Diễn đàn về “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, cạnh tranh là một tồn tại khách quan, là động lực cho phát triển xã hội, cạnh tranh đã, đang và sẽ tiếp tục hiện hữu. Tuy nhiên, cạnh tranh với mục đích khuất phục nhau, giành giật lợi ích của nhau, bao vây kiềm chế nhau sẽ dẫn đến căng thẳng, đối đầu, thậm chí là xung đột và chiến tranh. Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ không thể coi thường.
Trong thế giới toàn cầu hóa, liên kết ngày càng chặt chẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới.
Vấn đề quan trọng là cách thức xử lý cạnh tranh. Dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì chúng ta có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lý tranh chấp.
Ngược lại, nếu áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết, thì càng làm cho mâu thuẫn, tranh chấp gia tăng, kéo dài, dẫn đến xung đột. Chúng ta phải cùng nhau quản lí bất ổn, ngăn ngừa từ sớm các vấn đề cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh.
Muốn vậy, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của mọi quốc gia; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình; tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ, mục tiêu quốc phòng Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ nền hòa bình của đất nước; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việt Nam tiếp tục khẳng định rõ tính chất cơ bản của nền quốc phòng hòa bình, tự vệ; nêu rõ những thách thức quốc phòng, an ninh, những điều chỉnh chiến lược, cơ chế lãnh đạo, quản lí quốc phòng, tổ chức quân đội; xây dựng tiềm lực; đồng thời, minh bạch chính sách và khả năng quốc phòng Việt Nam.
Bộ trưởng đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC); việc sớm xây dựng một COC thực chất, ràng buộc, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
“Việt Nam mong muốn các bên liên quan tăng cường đối thoại, tham vấn, cùng nhau quản lý rủi ro và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực. Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở Biển Đông trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.
Có thể khẳng định, Đối thoại Shangri-la 18 đã thành công tốt đẹp khi có số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay, với 44 đoàn đại biểu cấp chính phủ từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 28 quan chức cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, các chỉ huy quốc phòng.
An Bình (tổng hợp)