In bài viết

Đối thoại trực tuyến: Phú Yên tìm cách mạnh về biển, giàu từ biển

(Chinhphu.vn) – Ngày 16/9, tại Phú Yên, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng, VTV Phú Yên tổ chức đối thoại trực tuyến với chủ đề "Khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản Phú Yên". Truyền hình trực tuyến

16/09/2012 09:01

Ảnh VGP/Minh Hùng

Là một tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có chiều dài bờ biển khoảng 190km, những năm qua, Phú Yên xác định khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh về kinh tế của mình. Giá trị khai thác và nuôi trổng thủy hải sản chiếm 30% giá trị sản xuất nông lâm ngư toàn tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên các hoạt động này trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Cuộc Đối thoại trực tuyến bàn về thực trạng và giải pháp cho hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh Phú Yên trên cơ sở phân tích những khó khăn, trở ngại hiện nay, các giải pháp, chính sách hỗ trợ, đầu tư từ Trung ương đến địa phương để tiềm năng này được phát huy hiệu quả.

Chương trình có sự tham dự của các vị khách mời:

- Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNN

- Ông Nguyễn Ngọc Ẩn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

- Ông Nguyễn Tri Phương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên

Chương trình được phát trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ, phát sóng trực tiếp trên VTV Đà Nẵng, tiếp sóng trên VTV Phú Yên, SCTV – kênh 81 và Mytv – kênh 9 phát sóng toàn quốc. 

Ông Nguyễn Tri Phương - Ảnh VGP/Minh Phương 

BTV: Thưa quý vị, như chúng tôi vừa nêu, trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Phú Yên đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần được giải quyết mà khán giả truyền hình cũng như ngư dân đang rất quan tâm. Và đó cũng là nội dung sẽ được đề cập trong chương trình đối thoại này.  

Trước hết, nói về hoạt động nuôi trồng thủy sản thì ở Phú Yên có nghề nuôi tôm hùm phát triển rất mạnh, không ít ngư dân Phú Yên đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm hùm. Xin mời ông Nguyễn Tri Phương giới thiệu đôi nét về nghề này cho khán giả hình dung.

Ông Nguyễn Tri Phương: Như chúng ta biết, Phú Yên có bờ biển dài 190 km, có nhiều vũng vịnh nước sâu, kín gió, diện tích lớn, môi trường sinh thái tốt và nguồn giống tôm hùm tự nhiên dồi dào. Đây là những thuận lợi cho nghề nuôi tôm hùm phát triển.

Nghề nuôi tôm hùm lồng bắt đầu manh nha tại Phú Yên từ năm 1990, phát triển mạnh từ năm 2005. Năm 2011, toàn tỉnh có 29 nghìn lồng nuôi với sản lượng trên 500 tấn/năm và đây cũng là năm đỉnh điểm được mùa và được giá. Năm 2012, cho tới tháng 8 đã có trên 35 ngàn lồng và dự tính sản lượng trên 950 tấn.

Nghề nuôi tôm hùm lồng đã giúp nhiều ngư dân đã thoát nghèo, có hộ vươn lên thành giàu.  Năm 2011, tại thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, có 350 lồng nuôi, mỗi lồng 5.000 con trở lên. Với giá 2,6 triệu đồng/kg thì thu nhập mỗi hộ lên tới trên 2 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 1 tỷ hoặc 1,5 tỷ đồng.  Vùng quê này có nhiều khởi sắc, trù phú, nhiều hộ gia đình từ nhà tranh vách đất thành biệt thự.

BTV: Chính vì lợi nhuận cao như vậy mà ngư dân Phú Yên đổ xô vào nuôi tôm hùm, nhưng cũng từ đây kéo theo hệ lụy, đó là tình trạng tôm chết hàng loạt gây thiệt hại nặng về kinh tế, là phá vỡ quy hoạch, là tình trạng cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ.

Tình trạng tôm chết hàng loạt đã từng xảy ra vài năm trước, sau hai năm trúng lớn, tình trạng này lại tái diễn vào cuối tháng 2/2012. Xin mời quý vị xem phóng sự do nhóm phóng viên Thời sự VTV Phú Yên thực hiện vào thời điểm đó tại xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu- nơi được gọi là “vương quốc tôm hùm” của cả nước.

Rõ ràng trong vấn đề có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, và đây cũng là bài học cay đắng của việc chạy theo lợi nhuận mà không tuân thủ quy định. Và ngành chức năng đã không ít lần khuyến cáo ngư dân về những quy định liên quan?

Ông Nguyễn Tri Phương: Nếu nói tôm hùm bị bệnh có 2 mốc thời gian là năm 2007, xuất hiện bệnh đen thân đỏ mang, bệnh sữa, sau đó Bộ NN&PTNT cũng hướng dẫn phác đồ điều trị kèm theo giãn lồng, giảm mật độ nuôi. Nhờ đó nghề nuôi tôm hùm phục hồi đến năm 2011 thì được mùa lớn dẫn đến việc người dân phát triển nuôi ồ ạt và gây bùng phát bệnh cũ trong năm 2012. Bộ NN&PTNT cũng đã vào cuộc, sử dụng phác đồ điều trị mới nhưng trong buổi sơ kết cách đây 2 tháng thì kết luận phác đồ cũ là hiệu quả nhất. 

BTV: Như tôi đã nêu, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển tự phát đã phá vỡ quy hoạch vùng nuôi. Hầu như ở vùng nuôi tôm nào của tỉnh, số lượng lồng nuôi tôm cũng vượt xa mức cho phép. Vậy thưa ông Nguyễn Ngọc Ẩn, chính quyền địa phương đã có những biện pháp quản lý gì để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Ảnh VGP/Minh Hùng

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn: Đối với địa phương, tỉnh Phú Yên nhìn nhận kinh tế biển là ngành rất quan trọng. Năm 2000, Tỉnh ủy Phú Yên có nghị quyết phát triển kinh tế biển, có quy hoạch vùng nuôi ở Sông Cầu, vịnh Xuân Đài, chúng tôi quy hoạch 18.000 lồng nhưng lên đến 26.000 lồng, vùng Tuy An, Bãi Ngang trên 1.000 lồng, vùng Vũng Rô không quy hoạch nuôi tôm hùm mà phát triển công nghiệp đóng tàu, cảng biển nhưng đến nay cũng nhưng lên đến trên 8.000 lồng. Việc quy hoạch chung, đi vào cụ thể cũng như giao cụ thể cho vùng nuôi cũng còn nhiều thiếu sót.

BTV: Vai trò chính quyền các xã, địa phương như thế nào trong việc xử lý phá vỡ quy hoạch này, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn: Cái khó nhất là khâu quản lý, hiện quy hoạch chi tiết giao cho các huyện, giao cho các tổ đội, lãng xã trực tiếp quản lý, nuôi, việc kiểm tra giám sát thì tỉnh huyện xã kết hợp thực hiện. Vấn đề này cũng cần sự đồng thuận của người dân… Vùng Vũng Rô không được nuôi nhưng thực tế lại có hơn 8.000 lồng thì chúng tôi có kiểm tra nhưng cũng phải đánh dấu, rồi yêu cầu bà con hứa nuôi hết vụ này thì thôi chứ không thể xử phạt người dân mãi được… Vì vậy, xử lý rất khó nếu không có sự đồng thuận của bà con.

BTV: Theo tính toán, số lượng tôm hùm thương phẩm của Phú Yên đạt 950 tấn/năm, thì lượng thức ăn cho tôm hùm là 19.000 tấn/ năm, tương đương 52 tấn/ngày. Chúng ta đều biết thức ăn cho tôm hùm là các loài thủy sản ven bờ. Từ đây đặt ra một mâu thuẫn hiện nay trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là: Nếu muốn phát triển nghề nuôi tôm hùm thì nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ là khó tránh khỏi. Nhưng nếu không khai thác nguồn này thì nghề nuôi tôm hùm sẽ khó tồn tại, vì đến nay chúng ta vẫn chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp. Thưa ông Nguyễn Ngọc Oai, ông nghĩ sao về thực tế đó và làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn ?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Như chúng ta biết, hiện thủy sản Việt Nam có 126 nghìn tàu cá với 700 nghìn ngư dân, vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, khai thác hơn 2 triệu tấn hải sản hàng năm, sản lượng này nằm trong giới hạn cho phép. Trong sản lượng đó, lượng cá tạp dùng làm thức ăn nuôi tôm hùm và chế biến bột cá làm thức ăn gia súc khoảng 550 nghìn đến 600 nghìn tấn. Riêng các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có khoản 56 nghìn tàu cá, sản lượng trên 600 nghìn tấn, trong đó có 150 nghìn tấn cá tạp. Phú Yên có trên 7.000 tàu cá, khai thác hơn 40 nghìn tấn, cá tạp khoảng 10 ngàn tấn.

Như biên tập viên đặt câu hỏi, nếu nghề nuôi tôm hùm Phú Yên đạt sản lượng 1 nghìn tấn tôm thì lượng thức ăn phải 19 nghìn tấn. Theo con số ở trên, thì tỉnh đã có 10 nghìn tấn thức ăn. Và toàn miền Trung có tới 600 nghìn tấn hải sản, là  điều kiện cho Phú Yên phát triển nuôi tôm ở  mức 1.000 tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Oai - Ảnh VGP/Minh Hùng

Tôi cũng trao đổi thêm, gần Phú Yên là Bình Thuận, sản lượng khai thác của Bình Thuận cũng rất cao, cá tạp trên 3.000 tấn, các vụ nuôi tôm ở Phú Yên đều mua cá tạp từ Bình Thuận.

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, Phú Yên đã có quy hoạch tổng thể nhưng tôi cho rằng chúng ta rất cần quy hoạch chi tiết.

Thứ hai, cần quan tâm tới lượng thức ăn phục vụ nuôi tôm hùm từ các tỉnh di chuyển về Phú Yên, công tác kiểm tra kiểm soát có dấu hiệu chưa chặt chẽ.

Thứ ba, Phú Yên là một trong những nơi thu gom con giống tự nhiên nhưng không đủ, vẫn phải lấy từ tỉnh bạn, việc quản lý cũng cần tăng cường.

Cuối cùng, vấn đề môi trường, nếu chúng ta không quản tốt thì dễ gây dịch bệnh mà những yếu tố cấu thành dịch bệnh như tôi đã nêu.

BTV: Tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản ven bờ ở Phú Yên còn có một nguyên nhân khác nữa là do số lượng tàu thuyền ven bờ tăng cao. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, hơn 90% số lượng tàu thuyền toàn tỉnh tập trung đánh bắt gần bờ; trong đó có 4.700 tàu thuyền có công suất dưới 20CV. Số tàu thuyền này tuy đóng góp không nhiều vào xuất khẩu thương mại nhưng lại rất quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho hàng triệu ngư dân nghèo. Nhưng do khai thác ven bờ đã đến lúc cạn kiệt dẫn đến hiệu quả kém, đời sống của ngư dân khó khăn, nhất là trong bối cánh giá xăng dầu tăng cao, nên nhiều ngư dân khai thác ven bờ ở Phú Yên có nguyện vọng chuyển đổi nghề. Thưa ông Nguyễn Ngọc Ẩn, bài toán này đã được tỉnh Phú Yên tính đến đâu ?

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn: Việc chuyển đổi nghề cho ngư dân là vấn đề chiến lược hệ trọng, được tỉnh Phú Yên quan tâm trong thời gian dài. Trước mắt Phú Yên tập trung phát triển khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ để chuyển ngư dân sang công thương nghiệp là chính. Hiện chúng tôi có 3 khu kinh tế Nam Phú Yên để có thể giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Năm 2010 HĐND tỉnh có nghị quyết 155 để đào tạo 20.000-30.000 lao động để chuyển đổi nghề mỗi năm, thực hiện trong 5 năm với kinh phí 370 tỷ đồng, ngoài ra cũng có những chương trình như xây dựng nông thôn mới, làng nghề truyền thống… Ngoài ra, còn có những khía cạnh về thay đổi nhận thức truyền thống của ngư dân, phải tuyên truyền để ngư dân thích ứng với nhu cầu, đặc biệt là tập trung cho thế hệ trẻ.

BTV: Những phương án chuyển đổi nghề nào là phù hợp với ngư dân ? Việc chuyển đổi không chỉ liên quan đến chính sách hỗ trợ, vốn vay, mà còn cả khâu đào tạo,… phải tiến hành rà soát, phân loại đối tượng và tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng...

Cái khó của việc chuyển đổi là phải đảm bảo thu nhập từ nghề mới ít nhất phải bằng hoặc cao hơn nghề cũ, có như vậy mới đảm bảo họ sẽ không buộc lòng phải quay lại nghề cũ. Thưa ông Nguyễn Tri Phương, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tri Phương: Sau khi thực hiện một số cuộc tập huấn với cộng đồng ngư dân ven biển, với thực tế là có người sống được với nghề biển, có người có nguyện vọng chuyển đổi, chúng tôi đưa ra 3 mô hình chuyển đổi sinh kế.

Một là từ nghề sang nghề, như từ khai thác chuyển sang nuôi trồng, hoặc từ khai thác gần bờ sang xa bờ… Tuy nhiên, điều này cần có vốn, chẳng hạn việc trang bị tàu lớn để đánh bắt xa bờ cần nguồn vốn lớn, mà theo cơ chế hiện nay thì ngư dân không đủ tiền đóng tàu lớn, cần nguồn vốn vay lãi suất cao, trong khi nguồn vốn lãi suất 6,5% của ngân hàng chính sách là không đủ. Như vậy, bài toán đặt ra với chính quyền là phải có cơ chế để giải quyết vấn đề vốn.

Mô hình thứ hai là dựa vào đất, tức là người nuôi tự nguyện chuyển đổi nghề thì chính quyền phải bố trí đất cho họ sản xuất, kinh doanh nhưng khó khăn là quỹ đất không còn nhiều.

Mô hình thứ ba là phi nông nghiệp, tức là qua đào tạo để giúp người dân rời nghề biển, làm trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế… Trên thực tế, cũng đã có nhiều con em ngư dân “ly nông” theo con đường này.

Nuôi hải sản tại Vũng Rô, Phú Yên - Ảnh VGP/Minh Hùng

BTV: Vâng, chắc chắn việc chuyển đổi nghề cho ngư dân là một trong những thách thức lớn đối với chính quyền địa phương. Về phía Trung ương, có ý kiến cho rằng về lâu dài, Chính phủ cần nghiên cứu, sớm xây dựng và khởi động một chương trình phát triển nông thôn tổng hợp cho các làng ven biển. Thưa ông Nguyễn Ngọc Oai, ông nghĩ sao về ý kiến đó?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Bộ NN&PTNT đang triển khai chương trình nông thôn mới xây dựng làng nghề truyền thống thủy sản. Những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Trong năm 2012 đã ban hành Quyết định 188 về hỗ trợ đóng mới tàu cá, các Quyết định 742, 1479 về bảo tồn nguồn lợi thủy sản… Về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng thông tin quản lý nghề cá trên biển... Riêng về hỗ trợ tàu cá thì năm 1997, có Quyết định 393 về hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, hoán cải tàu cá, và chúng ta thực hiện đóng mới được trên 1.000 tàu cá.

Về hiệu quả quả kinh tế còn phải xem xét nhưng hiệu quả xã hội rất tốt. Ngư dân từ chỗ chưa biết khai thác, đánh bắt xa bờ thì đến nay chúng ta đã làm chủ nhiều ngư trường xa. Đến nay ngành Thủy sản có 126.000 tàu cá, xa bờ có hơn 25.000 chiếc, vấn đề đặt ra là phải hiện đại hóa tàu cá, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về vấn đề này và trước khi triển khai rộng thì Bộ NN&PTNT phối hợp với một số tỉnh thí điểm đóng mới tàu cá bằng vật liệu mới, triển khai khai thác thu mua chế biến cá ngừ đại dương theo chuỗi tại một số tỉnh như Bình Đình, Phú Yên, Quảng Ngãi… Chúng ta vừa triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm để triển khai rộng rãi hơn.

BTV: Việc chuyển đổi nghề là vấn đề cấp bách đặt ra đối với ngư dân khai thác ven bờ do dựa vào tàu thuyền công suất nhỏ, và chúng ta đã vừa dành thời gian trao đổi về vấn đề này. Cũng do sự chênh lệch quá mức giữa nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt với lượng tàu thuyền công suất nhỏ ngày càng tăng.

Có tàu lớn để vươn khơi bám biển là niềm mơ ước của nhiều ngư dân, nhưng vấn đề là lấy đâu ra tiền tỷ để đầu tư đóng mới tàu? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nhiều ngư dân gặp khó khăn khi vay vốn vì ngân hàng cho rằng nghề cá bây giờ rủi ro cao, còn phía ngân hàng thì khẳng định không thiếu vốn, nếu ngư dân làm đầy đủ hồ sơ thì sẽ được vay. Thưa ông Nguyễn Ngọc Oai, ông thấy thế nào? 

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Ngư dân chúng ta khai thức trên biển rất giỏi, việc xây dựng một đề án hoàn chỉnh để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là khó khăn. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương và ngân hàng tích cực hỗ trợ người dân.

Những năm vừa qua, không phải ngân hàng không cho vay, nhưng phải trên cơ sở đủ thủ tục. Theo thống kê, mỗi năm toàn quốc có hơn 200 tàu cá công suất từ 500 đến 1.000 CV được đóng mới, với nguồn vốn từ dân và từ ngân hàng. Tuy nhiên, người dân phải có sự hỗ trợ của ngân hàng và địa phương để xây dựng đề án.

Ông Nguyễn Tri Phương: Tôi xin nói thêm là hiện nay tại Phú Yên, ngư dân có nhu cầu đóng mới hàng năm khoảng 40 - 50 chiếc tàu cá công suất lớn. Dĩ nhiên, trong số đó có người đã có tàu rồi và nếu tiếp tục vay ngân hàng nữa thì có khó khăn, nên phải tiếp cận nguồn khác, lãi suất hơi cao.

Dù ngân hàng có thủ tục vay vốn nhưng nếu bà con có dự án tốt thì ngân hàng vẫn cho vay và họ còn có cơ chế dùng chính tàu cá để thế chấp. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, bà con có thể yên tâm mạnh dạn làm ăn.

BTV: Việc ngư dân vươn ra đánh bắt xa bờ rất cần được khuyến khích bằng các chính sách hỗ trợ. Thưa ông Nguyễn Tri Phương, việc hỗ trợ ngư dân trong thời gian qua của tỉnh Phú Yên như thế nào, có gì vướng mắc ?

Ông Nguyễn Tri Phương: Đối với Phú Yên có trên 37.000 tàu cá trong đó có 2.600 tàu cá công suất lớn, 560 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Trong năm 2011-2012 chúng tôi tập trung thực hiện một số chính sách như hỗ trợ về dầu, bảo hiểm, máy định vị tàu cá để quản lý, đã giải ngân 29 được tỷ đồng. Dự kiến, năm 2012 sẽ giải ngân cao hơn. Phú Yên nằm trong tốp đầu về thực hiện các chính sách hỗ trợ này. Ngoài ra đề án lắp đặt 120 thiết bị  định vị vệ tinh theo dự án có nguồn vốn viện trợ của Pháp thì chúng tôi đang xúc tiến thủ tục lắp đặt. Những chính sách khác như vận động ngư dân tiếp cận xây dựng đề án thí điểm đóng tàu khai thác vật liệu mới cũng đang được chúng tôi tích cực triển khai.

BTV: Nhưng có những gì vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách này?

Ông Nguyễn Tri Phương: Tôi nghĩ thực hiện chính sách nào cũng có vướng mắc nhưng chúng tôi cố gắng thực hiện tốt. Khó khăn lớn nhất là sự chia sẻ trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách. Chưa có sự chia sẻ, đồng thuận cao, có nơi có lúc cũng chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

BTV: Thưa ông Nguyễn Ngọc Ẩn, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn: Chính quyền bao giờ cũng phải đặt những vấn đề mà dân yêu cầu trên bàn của mình từ những đề án dài ngày  đến vấn đề hàng ngày, nếu không tạo sự đồng thuận thì các chính sách sẽ không đến được với người dân.

Ngư dân TP.Tuy Hòa (Phú Yên) vận chuyển cá ngừ đại dương lên bờ sau những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển - Ảnh: Báo Phú Yên

BTV: Thời gian qua ở Phú Yên có tình trạng hàng trăm ngư dân không được hỗ trợ tiền dầu, mà theo họ thì hồ sơ hoàn toàn hợp lệ. Vậy thưa ông Nguyễn Tri Phương, thực hư chuyện này là như thế nào? Đến nay số ngư dân đó đã được giải quyết tiền dầu chưa?

Ông Nguyễn Tri Phương: Thực tế người được hưởng lợi bao giờ cũng nôn nóng, mong được giải quyết nhanh, nhưng việc thực hiện chính sách phải có quy trình, thủ tục nhất định. Việc thực hiện chính sách này cũng vậy. Với các hồ sơ không đạt yêu cầu, chúng tôi phải hoàn trả lại theo quy định và thông báo.

Năm 2011, việc giải quyết chính sách này chậm vì dòng vốn về chậm. Vốn cho năm 2012 cũng mới có, với khoảng 1 ngàn hồ sơ, chúng tôi đã hoàn thành giải ngân cho 260 hồ sơ. Chúng tôi đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thẩm định, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng của người dân.

Tôi khẳng định là trong việc giải quyết chính sách này không có thủ tục nào được đặt thêm. Để đảm bảo sự công bằng giữa các ngư dân, các quy trình phải được thực hiện minh bạch, rõ ràng. Là người trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực này, tôi chưa bao giờ chỉ đạo thêm một con dấu hay thủ tục nào cả.

BTV: Nói đến đánh bắt xa bờ thì chúng ta không thể không nhắc đến nghề khai thác cá ngừ đại dương như một thế mạnh của Phú Yên. Nghề này không chỉ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm sức ép cho nghề khai thác ven bờ. Sản lượng khai thác cá ngừ của tỉnh năm 2011 đạt  khoảng 5.600 tấn, giá trị sản xuất đạt 45 triệu USD. Tuy nhiên nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Phú Yên cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Xin ông Phương cho biết, những khó khăn lớn nhất là gì?

Ông Nguyễn Tri Phương: Nghề khai thác đối mặt rất nhiều khó khăn, tuy nhiên đối với nghề khai thác cá ngừ là một trong những nghề khó khăn lớn hơn, cần có chính sách lâu dài, đồng hành với ngư dân. Khó khăn lớn nhất là thiên tai và tương tác ngư trường với các nghề cá khác. Khó khăn thứ hai là chi phí ngày càng tăng cao như nhiên liệu, vận chuyển biển bấp bênh, chuyến lời chuyến lỗ. Khó khăn thứ ba thất thoát sau thu hoạch từ khai thác, bảo quản, vận chuyển, phân loại đến khâu đưa ra thị trường hiện vào khoảng 25-30%. Nhà nước cần có biện pháp như tổ chức sản xuất theo chuỗi để đưa con số thất thoát xuống 10% nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Khó khăn thứ tư là phát triển cơ sở dịch vụ hậu cần, cảng cá cần phải quan tâm đầu tư hơn nữa.

Một ngư dân hỏi: Chúng tôi muốn vay vốn đóng tàu xa bờ nhưng cần sự hỗ trợ cụ thể của tỉnh, làm thế nào để tiếp cận?

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn: Tôi xin khẳng định rằng vốn dành cho nông nghiệp nông thôn là không thiếu, theo như báo cáo gần đây nhất của Agribank Phú Yên thì số dư là trên 10.000 tỷ đồng, trong đó dành cho nuôi trồng đánh bắt thủy sản là trên 2.000 tỷ đồng, dĩ nhiên được dành cho nhiều lĩnh vực như cho chế biến, đánh bắt, làng nghề từ ngân hàng chính sách xã hội tới ngân hàng đầu tư và phát triển, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn... Vấn đề khó khăn là lãi suất vẫn ở mức 13% và đây là vấn đề cần kiến nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết.

Thứ hai, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các bộ hồ sơ theo đúng chuẩn để vay vốn, người tư vấn cần làm tốt hơn.

Khó khăn thứ ba là tài sản thế chấp không có. Về cách giải quyết, tôi mới làm việc với Ngân hàng NN&PTNT, chủ trương được thống nhất cao là dùng chính tàu cá làm tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ cho ngư dân vay 70% giá trị. Ví dụ, người dân đóng tàu trị giá 3 tỷ đồng thì ngân hàng sẽ cho vay 2,1 tỷ đồng và dùng luôn con tàu đó để thế chấp vay vốn.

Thứ tư, chúng ta phải công khai minh bạch rõ ràng cho bà con hiểu, đã vay phải là trả, giữ uy tín, trên thực tế nhiều ngân hàng họ ngại cho ngư dân vay vì bỏ ra nhưng thu hồi lại khó khăn. Tôi cho rằng những khó khăn về hồ sơ thủ tục chúng ta làm được, khó khăn về thế chấp cũng làm được, điều cuối cùng là chúng ta phải giữ chữ tín cho tốt.

Phú Yên có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu

BTV: Một ngư dân nuôi tôm hùm ở Vũng Rô hỏi: Nghe nói sắp tới tỉnh không cho nuôi tôm hùm nữa, nhưng chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền rồi, vậy tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi thế nào?

Ông Nguyễn Tri Phương: Như đã nói ở trên, ở Vũng Rô không có quy hoạch nuôi tôm hùm mà bà con hoàn toàn nuôi tự phát, không có hồ sơ, thủ tục gì, nên có hệ lụy như vừa rồi. UBND tỉnh đã chỉ đạo điều tra, đánh giá lại và cho bà con nuôi đến hết năm 2012 và nuôi gối vụ đến hết tháng 10/2013. Đồng thời tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương kiểm soát các vùng nuôi và những vùng có thể quy hoạch thêm để điều chỉnh sắp xếp lại tất cả những vùng nuôi tôm hùm trên tỉnh Phú Yên. Nên bà con cứ yên tâm nuôi đến hết tháng 10/2013.

BTV: Một ngư dân hỏi việc khai thác gần bờ gây nguy cơ cạn kiệt, vậy chính quyền có cách thức gì để ngăn chặn điều này?

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn: Khai thác gần bờ theo phong tục của nhiều địa phương ở Phú Yên, đặc biệt bà con dùng những phương tiện đánh bắt như lưới cào nên tôm cá lớn nhỏ đều bị đánh bắt hết, gây cạn kiệt nguồn lợi. Về vấn đề này, chính quyền như ngành nông nghiệp, biên phòng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải tăng cường kiểm tra. Tuy nhiên, kiểm tra đến mấy mà nếu không có vận động, tuyên truyền, sự tự giác của ngư dân,  bà con cũng cứ bung ra làm thì đến một lúc nào đó thì hết nguồn lợi, ảnh hưởng đến chính sinh kế của bà con.

BTV: Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nghề khai thác cá ngừ đại dương vẫn đang mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động khai thác xa bờ của tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên có một điều đáng lo ngại hiện nay ở một số tỉnh Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa  làm ảnh hưởng đến thương hiệu cá ngừ đại dương, đó là cách câu tay kết hợp với dẫn dụ cá bằng đèn cao áp. Vậy cách đánh bắt này là như thế nào, có nguy hại gì, chúng ta cùng theo dõi phóng sự sau đây. 

(Phóng sự về tác hại của việc câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp)

Thưa ông Nguyễn Tri Phương, ông có thể làm rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tri Phương: Biện pháp đánh bắt hải sản dùng ánh sáng dẫn dụ được nhiều nước thực hiện. Tại Việt Nam, nghề câu tay kết hợp dùng ánh sáng dẫn dụ mới bắt đầu từ đầu năm, do ngư dân vô tình học được. Ở Bình Định và Khánh Hòa phương pháp này phổ biến hơn, trong khi ở Phú Yên mới có trên 60% tàu áp dụng.

Mặt được là sản lượng khai thác tăng gấp đôi, thời gian đi biển ngắn hơn, chi phí thấp, giảm đối tượng đánh bắt không mong muốn như rùa, cá mập. Mặt hạn chế là chất lượng sản phẩm giảm. Dù các nhà khoa học chưa có điều tra cụ thể, nhưng theo phỏng đoán, có thể con cá chạy nhanh, thân nhiệt tăng làm cháy thịt.

Hiện luật pháp Việt Nam và quy định của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương không cấm nhưng cũng không khuyến khích phát triển phương pháp này. Tương tự, Bộ NN&PTNT không cấm và cũng không khuyến khích phát triển.

BTV: Vậy thưa ông Nguyễn Ngọc Oai, chúng ta đã có nghiên cứu nào hay chưa và từ đó đưa ra quy định, như cấm triệt để hay không khuyến khích?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Về phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng làm chất lượng giảm, với chức năng của mình, Cục đã cử cán bộ xuống khảo sát thực tế và có báo cáo với Bộ. Hiện, Cục đang triển khai đề tài đánh giá các tác động làm suy giảm chất lượng cá ngừ và đề ra giải pháp, dự kiến đề tài này sẽ hoàn thành đầu năm 2013 và từ đó khuyến cáo địa phương.

Ảnh VGP/Minh Hùng

BTV: Chúng ta rất hiểu rằng giải quyết tình trạng bồi lấp cửa biển không phải là việc làm một sớm một chiều, tuy nhiên cũng xin được hỏi ông Nguyễn Ngọc Ẩn, chính quyền tỉnh Phú Yên nhìn nhận thực trạng này như thế nào và đã có giải pháp gì?

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn: Phú Yên là tỉnh bãi ngang nên nhiều cảng gắn với sông thường xuyên bị bồi lấp hàng năm, như cửa biển Phường 6, cửa Đà Nông và cửa Tiên Châu. Hàng năm, UBND tỉnh đều giao cho các địa phương nạo vét các cảng này, nhưng dùng ngân sách thì khả năng rất có hạn. Chúng tôi đang đề xuất có thể lấy nguồn cát xuất khẩu, nhưng quy định hiện tại không cho xuất khẩu cát, trong khi cát tiêu dùng nội địa không được giá. 

Về lâu dài, tỉnh đã có quyết định giao UBND huyện Đông Hòa lập dự án khơi thông dòng chảy sông Đà Nông, chúng tôi đã gửi Bộ NN&PTNT để lấy ý kiến. Tháng 4/2012, dự án khơi thông của cửa Đà Diễn (tại Phường 6) cũng đã được UBND TP Tuy Hòa hoàn thành, chúng tôi đang thẩm định và lấy ý kiến của Bộ. Đây là những dự án lớn, lâu dài, chúng tôi rất mong các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT giúp đỡ trong điều tra, nghiên cứu, đánh giá, tìm ra giải pháp tốt.

Chúng tôi dự kiến xây dựng 2 cảng cá lớn tại Vũng Rô và vịnh Xuân Đài.

BTV: Chúng tôi rất hiểu khó khăn của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Oai có ý kiến cho vấn đề này?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Về đầu tư các cảng cá, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch các cảng cá, hiện toàn quốc có 192 cảng cá, bến cá. Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đã tập trung cao nguồn vốn để đầu tư các cảng cá. Hiện có 5% cảng cá đã được xây dựng, nhiều cảng đang được lập dự án đầu tư xây dựng trong năm 2012 và 2013. Trong số 192 cảng bến cá, có hơn 10 cảng loại 1 do Trung ương lập dự án đầu tư xây dựng, do địa phương lập dự án đầu tư.

Trong số các cảng loại 1, hiện một số cửa lạch bị bồi lắng, như tại miền Trung cảng Tam Quan (Bình Định) hay cảng Phường 6 (Phú Yên), cảng Hòn Rớ (Khánh Hòa)… Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã cử các đoàn nghiên cứu chuyên ngành về địa phương nắm tình hình, báo cáo lại. Bộ đã giao cho Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi nghiên cứu giải pháp khắc phục thực trạng này và tôi nghĩ sẽ có kết quả sớm vì đây là vấn đề bức xúc, cấp thiết với ngư dân.

Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thời gian chờ đợi một giải pháp lâu dài, chính quyền địa phương với chức năng quản lý trực tiếp cần có giải pháp trước mắt như nạo vét tạm thời. Đặc biệt, các cảng loại 2 hiện được đầu tư rất ít, đề nghị các địa phương xây dựng dự án, đưa vào kế hoạch hàng năm, trình Chính phủ để xây dựng.

BTV: Thưa quý vị, trong thời lượng cho phép của chương trình, chúng ta chỉ có thể bàn về những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh Phú Yên, và nhiều vấn đề trong số đó không nằm ngoài thực trạng chung hiện nay của các tỉnh ven biển miền Trung. Mong rằng những đề xuất, kiến nghị từ địa phương sẽ được ngành chủ quản Trung ương lưu tâm để sớm có giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn và lâu dài để tạo động lực nâng cao năng lực khai thác và nuôi trồng thủy sản, cũng là tạo động lực để phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi.

Cổng TTĐT Chính phủ