In bài viết

Đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/đioxin

Ngày 8-4 tại Khách sạn Đồng Nai, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cùng Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin đã tổ chức Hội thảo đánh giá về tác động môi trường của sự ô nhiễm đioxin ở Sân bay Biên Hòa, thực trạng chất độc da cam đioxin ở Đồng Nai, đánh giá quá trình hoạt động trong thời gian qua của Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ và định hướng chương trình hành động trong thời gian tới về việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Tham dự hội thảo có ông Ngô Quang Xuân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng nhóm Đối thoại Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân da cam Việt Nam; Ông Charles Bailey, đại diện Quỹ Ford về chất độc da cam/đioxin; bà Huỳnh Thị Nga, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

08/04/2011 21:28
Quang cảnh buổi hội thảo Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/đioxin được thiết lập năm 2007 với vai trò kêu gọi sự quan tâm đối với 5 vấn đề chính: cải thiện cuộc sống của những người Việt Nam bị khuyết tật bao gồm cả những người có thể đã bị nhiễm chất độc đioxin, điều trị và hòa nhập xã hội; hợp tác với Chính phủ Mỹ và Việt Nam để khống chế và làm sạch đioxin ở sân bay, ưu tiên những điểm nóng; thiết lập phòng xét nghiệm đioxin hiện đại ở Việt Nam; thúc đẩy các chương trình đào tạo nhân lực về phục hồi và sử dụng vùng đất bị suy thoái do chất độc hóa học. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thành viên Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin cho rằng, từ trước đến nay các hoạt động của Nhóm này cũng chỉ có thể đề cập nhiều cho việc tẩy sạch môi trường ở các điểm nóng, nhằm ngăn chặn tình trạng phơi nhiễm cho cộng đồng. Bác sĩ Phượng cũng nhấn mạnh, hội thảo cần có giải pháp chăm sóc cấp bách cả về vật chất và tinh thần cho những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh phát biểu tại buổi hội thảo Bản tuyên bố và chương trình hành động của Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin cho rằng, 35 năm kể từ sau cuộc chiến tranh, hai nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị. Tuy nhiên đến nay dư âm của cuộc chiến vẫn còn tác động đến hàng triệu người dân Mỹ và Việt Nam. Những đối tượng này bao gồm những người bị ảnh hưởng một cách trực tiếp và gián tiếp từ trong chiến tranh và cả hiện tại do việc phun rải chất độc da cam và các chất làm rụng lá ở nông thôn miền Nam Việt Nam. Do đó, Nhóm Đối thoại kêu gọi Hoa Kỳ chung tay với người dân Việt Nam giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Hiện tại, chất độc đioxin vẫn còn tiếp tục làm ô nhiễm môi trường Việt Nam và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại nhiều “điểm nóng”. Đoàn làm phim của Mỹ về nạn nhân da cam tại Công viên Biên Hùng Nhóm Đối thoại cho biết những hành động của nhóm này gồm ba giai đoạn để đạt được hai mục đích chính trong 10 năm tới đó là làm sạch đất bị ô nhiễm dioxin và khắc phục hệ sinh thái đã bị tàn phá; mở rộng các dịch vụ cung cấp cho người khuyết tật có liên quan đến chất độc da cam/dioxin, cho những người bị các khuyết tật khác và cho gia đình của họ. Tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân da cam Việt Nam cũng đề nghị, ngoài nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường, Nhóm Đối thoại cần quan tâm đến vấn đề con người hơn nữa. Đối với các trung tâm, các trại nuôi dưỡng tại địa phương cần có nhiều giải pháp động viên hỗ trợ từ thiện hơn của các tổ chức Quốc tế; Đối với các khu vực còn bị ô nhiễm nặng chất độc da cam/đioxin, ngoài việc nhanh chóng tìm và triển khai các công nghệ tẩy độc phù hợp cần có đầu tư cho việc đánh giá tình hình tác động, diễn biến, cảnh báo môi trường khu vực, không để người dân tiếp tục bị phơi nhiễm; cần phải làm ngay việc giúp những người bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh vượt qua khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Hà Giang