In bài viết

Đối tượng phải làm thủ tục khai báo tạm vắng

(Chinhphu.vn) – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề nghị Bộ Công an nghiên cứu có quy định cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nơi tạm trú... khi tiếp nhận làm việc, học tập, tạm trú người ở xa phải có Giấy xác nhận tạm vắng ở địa phương và có biện pháp thông tin giữa nơi tạm trú và nơi cho tạm vắng để theo dõi những vấn đề liên quan đến nhân thân của công dân.

03/10/2015 08:02

Theo ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Luật Tạm trú, tạm vắng quy định người đi làm ăn, học tập xa chỉ cần xuất trình Giấy chứng minh nhân dân nơi tạm trú, không cần Giấy xin tạm vắng tại địa phương nhằm tạo sự thuận tiện cho công dân, nhưng địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý như việc đăng ký, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, gọi thanh niên nhập ngũ hoặc nhiều hộ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đi làm ăn xa không về địa phương nên việc thu hồi vốn gặp khó khăn ảnh hưởng đến các hộ làm tốt (vay theo tổ, nhóm).

Cử tri đề nghị nghiên cứu có quy định cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nơi tạm trú... khi tiếp nhận làm việc, học tập, tạm trú người ở xa phải có Giấy xác nhận tạm vắng ở địa phương và có biện pháp thông tin giữa nơi tạm trú và nơi cho tạm vắng để theo dõi những vấn đề liên quan đến nhân thân của công dân.

Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang như sau:

Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 32, Luật Cư trú quy định cụ thể đối tượng phải làm thủ tục khai báo tạm vắng, gồm: Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng; người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện thủ tục tạm trú, tạm vắng và bảo đảm quyền tự do cư trú, tự do đi lại của công dân thì các trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên khi đi khỏi địa phương không phải làm thủ tục khai báo tạm vắng.

Khi công dân đến nơi ở mới và làm thủ tục đăng ký tạm trú nếu cần xác minh nội dung gì thì cơ quan Công an nơi công dân đang tạm trú liên hệ, trao đổi với cơ quan Công an nơi đăng ký thường trú để quản lý theo đúng quy định. Cơ quan Công an không có thẩm quyền đề nghị cơ quan, doanh nghiệp, trường học… khi tiếp nhận người đến làm việc, học tập phải có Phiếu khai báo tạm vắng, vì trái với Luật Cư trú.

 Chinhphu.vn