Theo phản ánh của Công ty TNHH Khoáng sản Thiên An, Công ty thực hiện nổ mìn khai thác đá từ năm 2015. Nhưng Công ty gặp khó khăn do người dân hai bên đường vào mỏ đá phong tỏa đường, không cho phương tiện vận tải của Công ty lưu hành.
Trước sự việc trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở ban ngành họp đề xuất phương án cho Công ty mở một con đường khác để lưu thông. Sau khi UBND TP. Buôn Ma Thuột thống nhất chủ trương, Công ty phải bồi thường đất rẫy của dân hai bên đường và sửa chữa lại con đường mới mở để đi lại tạm thời. Đến nay, UBND TP. Buôn Ma Thuột mới giải quyết cho thi công mở rộng đường đảm bảo lưu thông thuận lợi.
Gần 1 năm Công ty không kinh doanh được, do vậy những hợp đồng đã ký kết phải bồi thường, chi phí nhân công phải trả trong thời gian chờ đợi các ban ngành giải quyết, chi phí lãi vay ngân hàng công ty đầu tư máy móc thiết bị phải trả trong lúc máy móc không hoạt động, tiền vay gốc phải trả… sản xuất đình trệ, ngân hàng không tiếp tục cho vay... gây thiệt hại nặng nề cho Công ty.
Trước tình hình khó khăn do yếu tố khách quan mang lại của Công ty, UBND tỉnh đã xem xét và làm Công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi Trường và Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đề xuất ý kiến cho gia hạn nộp tiền cấp quyền khoáng sản theo Điểm a, Khoản 1, Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Công ty đã nhận được Công văn số 2385/TCT-DNL ngày 2/6/2017 và Công văn số 3499/TCT-DNL ngày 7/8/2017 của Tổng cục Thuế trả lời về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2016. Theo ý kiến của Công ty, tại 2 văn bản trả lời nêu trên Tổng cục Thuế hướng dẫn không rõ ràng.
Theo Tổng cục Thuế xác định, trường hợp khó khăn của Công ty là không thuộc Điểm a, Khoản 1, Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5, Điều 2, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính.
Công ty TNHH Khoáng sản Thiên An hỏi, tại sao Công ty không thuộc trường hợp “tai nạn bất ngờ”, “các trường hợp bất khả kháng khác” theo Khoản 5, Điều 2, Thông tư số 26/2015/TT-BTC? Trường hợp khó khăn của Công ty được giải quyết ở văn bản nào?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Khoản 5, Điều 2, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điểm a, Điểm d, Khoản 1, Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế như sau:
“a) Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hoá, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền.
Tai nạn bất ngờ là việc không may xảy ra đột ngột ngoài ý muốn của người nộp thuế, do tác nhân bên ngoài gây ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, không phải do nguyên nhân từ hành vi vi phạm pháp luật. Những trường hợp được coi là tai nạn bất ngờ bao gồm: tai nạn giao thông; tai nạn lao động; mắc bệnh hiểm nghèo; bị dịch bệnh truyền nhiễm vào thời gian và tại những vùng mà cơ quan có thẩm quyền đã công bố có dịch bệnh truyền nhiễm; các trường hợp bất khả kháng khác.
Danh mục về bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật…
d) Không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Khoáng sản Thiên An gặp khó khăn do tuyến đường đi lại không thuận lợi gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thì không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế quy định tại Khoản 1, Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi tại Khoản 5, Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính.
Vì vậy, Công ty TNHH Khoáng sản Thiên An không được áp dụng gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo qui định pháp luật về thuế trong trường hợp này.
Chinhphu.vn