Ngày 14/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (Nghị quyết 127). Theo đó, Chính phủ quyết nghị thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.
Cùng ngày, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước (Nghị quyết 128): Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Italy, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
So với Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 thì thời hạn tạm trú đối với công dân các nước trên sẽ được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày.
Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày, tăng 30 ngày so với thời hạn quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Và bắt đầu từ ngày 15/8/2023, Luật này chính thức có hiệu lực.
Đây là những chính sách rất cởi mở, thông thoáng tạo điều kiện cho khách nước ngoài vào Việt Nam được thuận lợi, đặc biệt là đòn bẩy để đẩy mạnh du lịch Việt Nam phát triển tăng tốc trong thời gian tới.
Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết liên tiếp là Nghị quyết số 127 và Nghị quyết số 128 đã cụ thể hóa tất cả chính sách mới về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong đó có khách du lịch.
Đây là những văn bản thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để du lịch Việt Nam đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng tốc phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để thu hút khách du lịch và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Từ việc xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, khách có khả năng chi trả cao đến công tác xúc tiến, quảng bá ở những thị trường du lịch trọng điểm rất cần phải chú trọng.
Trong bối cảnh hiện nay nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam ngày càng cao lên và đặc biệt là khi chính sách nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam được mở rộng, thông thoáng và thuận tiện hơn thì nhu cầu tìm kiếm thông tin và du lịch Việt Nam tăng rất nhanh chóng.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mới của Chính phủ, Quốc hội, trong thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong đó có Cục Du lịch nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành những văn bản mới triển khai cụ thể hóa những cơ chế, chính sách này đặc biệt là đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trên cơ sở đó ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm để từ đó định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai ngay và có những sản phẩm du lịch mới…
Đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều điện về nhân lực để bảo đảm chất lượng cung ứng, chất lượng dịch vụ, công tác quản lý điểm đến ở các địa phương, đặc biệt là các trung tâm du lịch lớn giúp cho du khách đến Việt Nam được trải nghiệm đúng theo nhu cầu của họ mong muốn.
Về phía doanh nghiệp lữ hành, ông Vũ Văn Tuyên- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam và là Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ: Chính sách cởi mở, thông thoáng của Chính phủ đối với khách nhập cảnh vào Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp lữ hành phấn khởi, vui mừng. Khách du lịch quốc tế có thể lưu trú dài ngày hơn. Và đặc biệt hơn khi Chính phủ quyết định thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ áp dụng cho tất cả các nước trên thế giới, là tín hiệu rất tốt và tạo ấn tượng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam để các doanh nghiệp có thể chuẩn bị các sản phẩm du lịch chào đón du khách để du khách có thể tăng thời gian lưu trú và tăng chi tiêu tại Việt Nam.
"Chúng tôi có niềm tin về du lịch Việt Nam nói chung và lĩnh vực hoạt động du lịch của mình sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua đó, chúng tôi có điều kiện để củng cố doanh nghiệp, nhân sự và chiến lược marketing cũng như sản phẩm của mình để từ giờ đến cuối năm tăng tốc, thu hút khách du lịch đến với Việt Nam", ông Vũ Văn Tuyên chia sẻ.
Ông Tuyên cho biết, mặc dù các doanh nghiệp du lịch inbound gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tuy nhiên các doanh nghiệp lữ hành luôn bám sát những chỉ đạo của Chính phủ để sẵn sàng các điều kiện tốt nhất nhằm thu hút khách du lịch. Đơn cử Công ty Du lịch Travelogy đã chuẩn bị 17 sản phẩm lưu trú từ 30-45 ngày cho du khách một cách hợp lý và đa dạng để thích ứng với chính sách mới của Chính phủ ban hành. Đây là tín hiệu khả quan để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tin tưởng và kỳ vọng vào những kết quả tốt đẹp trong quý 3,4 năm nay.
Trước những chính sách cởi mở của Chính phủ cho phát triển du lịch, ông Nguyễn Xuân Hải-Giám đốc Công ty Du lịch La Palanche Voyagas vui mừng cho biết, đây là điều mà các doanh nghiệp du lịch chờ mong từ rất lâu.
"Việc có được thời gian lưu trú dài hơn cho du khách và không phải làm các thủ tục rườm rà là mơ ước của ngành du lịch bấy lâu nay. Việc phải trả chi phí cho visa là chuyện nhỏ, quan trọng là thủ tục cực kỳ đơn giản sẽ thu hút được du khách đến với Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Hải nói.
Ông Nguyễn Xuân Hải cho biết, các doanh nghiệp lữ hành như Công ty Du lịch La Palanche mong chờ là việc có được chính sách mở cửa cho du lịch đến tối đa như hiện nay đó là bước đột phá lớn. Tuy nhiên ông Hải cũng bày tỏ, việc mới có 13 nước được hưởng chính sách này là chưa nhiều. Hơn nữa trong 13 nước được miễn thị thực hiện nay đang thiếu những nước có nền kinh tế phát triển vì những nước đó du khách sẽ mang nhiều tiền đến Việt Nam, có thể chi trả nhiều tại Việt Nam như Luxembourg, Thụy Sĩ, Monaco…
Tuy nhiên, để thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ, ông Vũ Văn Tuyên cũng bày tỏ trăn trở là làm sao giữ chân khách du lịch ở lại Việt Nam nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn và sức hút của du lịch Việt Nam cũng như các sản phẩm du lịch Việt Nam thu hút được du khách hơn?
Theo ông Vũ Văn Tuyên, doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay đang gặp 3 khó khăn chủ yếu. Thứ nhất là khó khăn về chiến lược marketing du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp và sát với thực tế. Từ các chiến lược đó doanh nghiệp có thể tung ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thứ hai, chúng ta vẫn nói Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch phong phú và hấp dẫn nhưng phong phú như thế nào để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trước đây lưu trú 1 tuần, 2 tuần thì nay có thể lưu trú 1 tháng và quay lại nhiều hơn. Thứ ba là các tỉnh, thành phố đều có các sản phẩm du lịch gần như là giống nhau, ngay cả việc phát triển chợ đêm, ở Việt Nam có hơn 20 khu chợ đêm nổi tiếng nhưng so với các nước trong khu vực thì chưa có chợ đêm nào ở Việt Nam có bản sắc riêng, có thể xứng tầm với có sức hút lớn.
Vì vậy, ông Vũ Văn Tuyên cho rằng, để tận dụng độ mở của chính sách mà Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch như hiện nay thì chúng ta phải thiết kế sản phẩm du lịch như thế nào để có thể kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Khách quốc tế thông thường đến Việt Nam từ 1 tuần đến 2 tuần và Việt Nam là điểm trung chuyển quan trọng đến các nước châu Á, Đông Nam Á và các nước xa hơn nữa.
Từ trước đến nay với chương trình lưu trú từ 1-2 tuần ở Việt Nam từ Hà Nội đi miền Trung, miền Nam, Đông Nam Bộ nhưng chúng ta có tới 7 tuyến, điểm du lịch có cả Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên. Những vùng này rất khó khăn cho doanh nghiệp khai thác. Tức là nếu khách đi vùng trung du sẽ hạn chế ở vùng Đông Bắc và nếu đi Tây Bắc thì ngược lại. Làm như thế nào để chúng ta có thể kết hợp 7 tuyến, điểm này trong một hành trình trọn vẹn 1 tháng hoặc 45 ngày thì đó chính là nhờ sản phẩm du lịch.
Để tổ chức thực hiện tốt, có kết quả thiết thực các văn bản mới của Chính phủ, Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị cần tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới. Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch.
Đặc biệt, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 82/NQ-CP.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phê duyệt một số đề án như Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm.
Diệp Anh