Chiều 22/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn chủ trì cuộc làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện đơn giản hóa thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, thời gian qua có nhiều phản ánh về thủ tục cấp phiếu LLTP tại nhiều địa phương gây phiền hà cho người dân.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ giao VPCP họp với các bộ, cơ quan liên quan để bàn về các giải pháp cải cách hành chính đối với cấp LLTP. Vì vậy, cuộc họp sẽ xem xét về quy định thủ tục cấp LLTP, thực trạng cấp phiếu LLTP, từ đó có giải pháp đơn giản hóa, cải cách với thủ tục này.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), số lượng phiếu LLTP được cấp qua các năm như sau: Năm 2021 cấp xấp xỉ 467.000 phiếu; năm 2022 là trên 1 triệu phiếu; trong 4 tháng đầu năm 2023 là 375.000 phiếu.
Trong đó, theo số liệu thống kê, hồ sơ thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của Sở Tư pháp chiếm hơn 90% số lượng phiếu LLTP đã cấp. Hồ sơ thuộc thẩm quyền của Trung tâm LLTP Quốc gia chiếm tỉ lệ rất ít, dưới 10%, như: Năm 2021 là 42.008/446.627 phiếu (chiếm tỉ lệ 9,4%); 6 tháng đầu năm 2022 là 27.844/479.372 (chiếm tỉ lệ 5,8%).
Lượng phiếu LLTP đã được cấp tập trung vào một số tỉnh, thành phố, như năm 2021: TP. Hà Nội 46.726 phiếu (trung bình 3.894 phiếu/tháng) chiếm tỉ lệ 10,4%; TPHCM 46.673 (trung bình 3.889 phiếu/tháng) chiếm tỉ lệ xấp xỉ 10,4%; Nghệ An 26.840 phiếu (trung bình 2.237 phiếu/tháng) chiếm tỉ lệ 0,6%; ít nhất là Cao Bằng 774 phiếu, Lai Châu 867 phiếu.
Ông Ngô Hải Phan nêu thực tế thực hiện còn có tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu LLTP. Trong khi đó, việc gia tăng do nhu cầu du học, xuất khẩu lao động, các hoạt động sản xuất không đáng kể.
Nguyên nhân chính là do nhiều cơ quan, doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu người lao động nộp phiếu LLTP trong hồ sơ xin việc, như: Tài xế của những hãng taxi công nghệ, người làm công việc bảo vệ, ban quản trị nhà chung cư, một số ngành như cầm đồ, kinh doanh khách sạn, các cá nhân thuộc các tổ chức liên quan đến các hội...
Bên cạnh đó, Luật không quy định thời hạn sử dụng, nhưng có nơi lại yêu cầu người lao động cứ 6 tháng phải xin phiếu mới, khiến số lượng yêu cầu cấp phiếu tăng vọt. Chỉ 4 tháng đầu năm 2023, số phiếu cấp trên toàn quốc đã gần bằng số phiếu của cả năm 2021. Dẫn đến tốn kém, lãng phí rất lớn cho người lao động và cơ quan Nhà nước.
Mặc dù việc cấp phiếu LLTP thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu xin cấp phiếu LLTP của người dân, tổ chức, tuy nhiên vẫn còn có một số hạn chế như: Quy trình thực hiện cấp phiếu LLTP còn qua nhiều bước, tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, dẫn đến không tạo được sự chủ động, có dấu hiệu "đùn đẩy trách nhiệm", kéo dài thời gian, chi phí thực hiện...
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ khai thác để cấp phiếu LLTP giữa Cơ sở dữ liệu LLTP và Cơ sở dữ liệu ngành công an chưa được triển khai đồng bộ với quá trình đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để việc cấp phiếu LLTP được hiệu quả, đơn giản, thuận lợi, khắc phục những hạn chế như trong thời gian vừa qua, Cục Kiểm soát TTHC đề xuất một số phương án như: Phân cấp triệt để cho Sở Tư pháp trong khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP để phục vụ cấp phiếu LLTP nhằm cắt giảm các bước phối hợp không cần thiết.
Phương án tiếp theo được ông Ngô Hải Phan nêu là kết nối Cơ sở dữ liệu LLTP với Cơ sở dữ liệu tàng thư về án tích do Bộ Công an quản lý, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó là phương án phân cấp cho Sở Tư pháp sẽ giảm thời gian đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia và thời gian chờ đợi Trung tâm LLTP quốc gia trả lời (dự kiến khoảng 3-5 ngày làm việc). Chi phí tiết kiệm của xã hội tối thiểu là 1 triệu phiếu/năm, tức là tiết kiệm khoảng 663 tỷ đồng/năm.
Đối với phương án kết nối Cơ sở dữ liệu LLTP với Cơ sở dữ liệu tàng thư về án tích do Bộ Công an quản lý, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó cho phép cơ quan Nhà nước khai thác phục vụ quản lý Nhà nước và người dân sử dụng VNEID để chủ động khai thác, xuất trình, chứng minh khi cần thiết thay thế cho việc nộp bản giấy phiếu LLTP như hiện nay, giúp giảm đối tượng phải cung cấp phiếu này khoảng ít nhất 70%. Chi phí tiết kiệm cho phương án này được tính toán có thể tiết kiệm 1.687 tỷ đồng/năm.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, ngoài các đề xuất của Cục Kiểm soát TTHC thì cần các giải pháp rà soát các văn bản pháp luật. Cụ thể, lĩnh vực nào trong quy định đang yêu cầu cấp phiếu LLTP mà thực sự không cần thiết thì cần lược bỏ bớt.
Ý kiến của các đơn vị cũng cho rằng đây là liên quan đến vấn đề thực thi và có tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu LLTP. Hiện nay, có 151 thủ tục hành chính có yêu cầu cấp phiếu LLTP thuộc quản lý của 12 bộ, ngành, vì vậy 12 bộ, ngành nên rà soát 151 thủ tục hành chính có yêu cầu cấp phiếu LLTP, từ đó có phương án đơn giản hóa yêu cầu cấp LLTP.
Kết luận tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh yêu cầu đơn giản hóa thủ tục cấp phiếu LLTP là cần thiết và xuất phát từ thực tế cuộc sống khi người dân dân phản ánh nhiều về việc quá tải và lạm dụng việc yêu cầu cấp phiếu LLTP. Các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giảm thủ tục cấp phiếu LLTP cho người dân và doanh nghiệp. VPCP sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan tổng hợp nội dung, đề xuất phương án để báo cáo Chính phủ.
Gia Huy