Công ty không thanh toán trả ông Hùng tiền lương của 15 ngày làm việc tháng 12/2011 và không trợ cấp một khoản nào. Ông Hùng hỏi, lý do Công ty đơn phương chấm dứt quan hệ lao động và không trả lương cho ông có đúng quy định không? Thời điểm này ông có khởi kiện được nữa hay không, cơ quan nào giải quyết?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp trường hợp của ông Hùng như sau:
Vào thời điểm ông Trịnh Duy Hùng thực hiện hợp đồng thử việc và làm việc sau khi thử việc, áp dụng quy định tại Bộ Luật Lao động năm 1994 (sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007).
Điều 32 Bộ Luật này quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) thoả thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, về quyền, nghĩa vụ của hai bên. Tiền lương của NLĐ trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không được quá 30 ngày đối với lao động khác.
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì NSDLĐ phải nhận NLĐ vào làm việc chính thức như đã thoả thuận.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 7, Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003, hết thời gian thử việc, NSDLĐ thông báo kết quả làm thử cho NLĐ. Nếu đạt yêu cầu hai bên phải tiến hành ký kết HĐLĐ hoặc NLĐ không được thông báo mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức.
Trường hợp ông Trịnh Duy Hùng ký với Công ty hợp đồng thử việc thời hạn 2 tháng kể từ ngày 1/9/2011. Đến ngày 1/11/2011 ông hoàn thành thời gian thử việc, nhưng Công ty không ký HĐLĐ với ông mà vẫn tiếp tục sử dụng ông, thì HĐLĐ đương nhiên được xác lập.
Theo quy định, người lao động có thể giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết. Nếu ông Hùng đã giao kết HĐLĐ với doanh nghiệp khác và cũng tham gia quan hệ lao động với Công ty, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình tại mỗi nơi làm việc thì việc Công ty lấy lý do ông làm việc cho 2 công ty để đơn phương chấm dứt quan hệ lao động với ông và không trả tiền lương 15 ngày làm việc của tháng 12/2011 là trái pháp luật.
Toà án nhân dân cấp huyện nơi Công ty đóng trụ sở là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, đòi bồi thường thiệt hại, đòi tiền lương, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân này là 1 năm.
Nếu ông Hùng có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ là trái pháp luật, được Tòa án kết luận là yêu cầu khởi kiện có căn cứ và đúng pháp luật, thì Tòa án sẽ quyết định buộc Công ty phải nhận ông Hùng trở lại làm việc và phải bồi thường ông Hùng một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày ông không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương.
Vào thời điểm Công ty đơn phương chấm dứt quan hệ lao động với ông Hùng, có thể ông đã biết quyền và lợi ích của mình bị vi phạm, nhưng lúc đó ông đã có việc làm khác, giá trị tranh chấp rất nhỏ, nên không khiếu nại, không khởi kiện. Đến thời điểm này, nếu ông có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động nêu trên, sẽ không được Tòa án thụ lý giải quyết bởi vì thời hiệu khởi kiện đã hết.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
- Tính trợ cấp lao động khi chấm dứt HĐLĐ