In bài viết

Đón thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút FDI

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/9, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải phòng (TP. Hải Phòng) tổ chức Hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư FDI của Thành phố từ đầu năm đến nay lên khoảng 3 tỷ USD, dẫn đầu cả nước.

22/09/2023 21:49
Đón thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút FDI  - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu

SK - tập đoàn lớn thứ 2 Hàn Quốc đầu tư 500 triệu USD

Phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học công nghệ cao, của nhà đầu tư Ecovance.Co.Ltd - Tập đoàn SK, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho biết, đây là kết quả triển khai, cụ thể hóa Chương trình xúc tiến đầu tư của Hải Phòng tại Hàn Quốc tháng 6/2023 vừa qua.

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đóng góp chung vào kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, góp phần quan trọng vào thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ. Việc trao giấy chứng nhận đầu tư này cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự có mặt của Tập đoàn SK tại Hải Phòng.

Với tổng vốn 500 triệu USD, Dự án có mục tiêu sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học PBAT, PBS, PBATS trên diện tích 32.089 m2, lô đất CN5.5G2, khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải).

Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I là một trong 2 khu công nghiệp của Thành phố phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, hướng đến phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được khởi công từ giữa tháng 12/2023 và hoàn thành xây dựng trong 9 tháng. Dự kiến cuối năm nay sẽ đạt khoảng 35.000 tấn sản phẩm và sau khi mở rộng giai đoạn 2, công suất toàn dự án sẽ là 70.000 tấn/năm.

Dự án được triển khai sẽ góp phần mang lại nhiều ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, hàng đầu của thế giới hiện nay vào nền sản xuất công nghiệp của Hải Phòng, nâng cao trình độ tay nghề của nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển, và tạo ra nguồn thu ngân sách.

Đón thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút FDI  - Ảnh 2.

Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học công nghệ cao, của nhà đầu tư Ecovance.Co.Ltd - Tập đoàn SK

SK là tập đoàn lớn thứ 2 của Hàn Quốc đứng sau Sam Sung. SK được thành lập vào năm 1953, lĩnh vực hoạt động chính gồm 4 nhánh: Năng lượng và hóa chất, viễn thông, bán dẫn và vật liệu, dược phẩm và dịch vụ logistics.

"Từ một dự án ban đầu, tôi mong rằng Tập đoàn SK sẽ tiếp tục đầu tư và xem Hải Phòng như một địa bàn trọng điểm đầu tư", Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Ông Lê Tiến Châu cũng đưa ra 3 đề nghị với Tập đoàn SK: Triển khai đầu tư nhiều các lĩnh vực hơn nữa tại Hải Phòng, kêu gọi các thành viên trong Tập đoàn SK xây dựng hệ thống sinh thái các doanh nghiệp tại địa phương; quan tâm đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng, vật liệu mới (như Limex thay thế cho nhựa và giấy) thân thiện với môi trường; tích cực tăng cường hợp tác, ký kết với các trường Đại học, Cao đẳng tại Hải Phòng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

'Sự thành công của doanh nghiệp, chính là sự thành công của thành phố', Hải Phòng hút nhiều dự án lớn

Ngay sau khi trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất vật liệu phân hủy sinh học của Tập đoàn SK, UBND TP. Hải Phòng tiếp tục trao Giấy chứng đầu tư cho dự án Sản xuất máy và thiết bị của Kyocera Document Solutions  Inc. (Nhật Bản) và một số dự án khác có tầm quan trọng rất lớn đối với Thành phố.

Đón thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút FDI  - Ảnh 3.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, việc điều chỉnh tăng vốn 237,5 triệu USD cho dự án của nhà đầu tư Kyocera Document Solutions  Inc. (Nhật Bản) tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, đã nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 425 triệu USD.

Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng, trong đó có Tập đoàn Kyocera, đạt 2,2 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 3,08 tỷ USD. Trong số các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, khởi đầu từ năm 2012 với số vốn đầu tư 180 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP, dự án Kyocera luôn cho thấy sự ổn định và tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vai trò trách nhiệm với cộng đồng xã hội và là một trong các dự án tiêu biểu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng.

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, quyết định tăng tổng vốn đầu tư thêm 238 triệu USD là minh chứng thuyết phục nhất cho cam kết của lãnh đạo Thành phố luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm một môi trường đầu tư an toàn, an ninh, đôi bên cùng có lợi, với phương châm "Sự thành công của doanh nghiệp, chính là sự thành công của Hải Phòng".

Đón thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút FDI  - Ảnh 4.

Đại diện lãnh đạo Hải Phòng trao giấy chứng đầu tư cho hàng loạt dự án khác có tầm quan trọng rất lớn đối với Thành phố

Cũng tại hội nghị, UBND TP. Hải Phòng cũng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án: Dự án đầu tư phát triển nhà xưởng xây sẵn BW (61 triệu USD), dự án chế tạo phụ tùng ô tô của nhà đầu tư CCTY Bearing Company (Trung Quốc, 40 triệu USD), dự án sản xuất van và phụ kiện ống nước của nhà đầu tư Ningbo Huaping Intelligent Control Technology (Trung Quốc, 30 triệu USD), dự án Lắp ráp pin Li-ion và Ni-MH của nhà đầu tư Highpower Technology (Singapore, 20 triệu USD), dự án sản xuất sàn SPC của nhà đầu tư Yibin Tianyi New Material Technology (Trung Quốc, 19,5 triệu USD), dự án mở rộng đầu tư dự án về xây dựng kho chứa, bồn chứa của nhà đầu tư Công ty TNHH Công nghiệp Soft (Nhật Bản,15,2 triệu USD), dự án sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô của nhà đầu tư Daimay Investment (Hongkong-Trung Quốc, 15 triệu USD), dự án kho chứa, bồn bể của nhà đầu tư Công ty TNHH Top Solvent Việt Nam (Thái Lan, 12,8 triệu USD), dự án sản xuất thiết bị quang học của nhà đầu tư Goodwe Singapore (10 triệu USD).

Ngoài các dự án kể trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư cho 2 dự án nhà ở xã hội, phấn đấu khởi công trong năm 2023 để tạo ra quỹ nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Đó là dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tại phường Đông Hải 2, quận Hải An thuộc Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với quy mô 22,48 ha, tổng vốn đầu tư 142 triệu USD; dự án xây dựng Nhà ở xã hội (giai đoạn 1) tại phường Tràng Cát, quận Hải An thuộc Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với quy mô 28,14 ha, tổng vốn đầu tư 254 triệu USD.

Hai dự án trên với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD, đi vào hoạt động sẽ tạo ra quỹ nhà ở hơn 8.000 căn cho khoảng 22.000 người, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chỗ ở để người lao động yên tâm làm việc.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, đây là 2 dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực ngày càng lớn sinh sống và làm việc tại Hải Phòng, góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Thành phố, thực hiện thành công chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Đón thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút FDI  - Ảnh 5.

Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C

Tiếp tục khẳng định vai trò của khu kinh tế

Tính đến nay, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ USD. Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút 708 dự án với tổng vốn đầu tư 38,1 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2023, đã cấp mới 45 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,1 tỷ USD và 11 dự án FDI đạt gần 15.000 tỷ đồng (gần 600 triệu USD). Trong năm 2022, doanh thu đạt 34,8 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập đạt 24,46 tỷ USD và nộp ngân sách đạt 17.800 tỷ đồng. 8 tháng năm 2023, doanh thu đạt 19,9 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD và nộp ngân sách 8.700 tỷ đồng.

Năm 2023 là năm tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng. Có được những kết quả rất tốt đẹp trong ngày hôm nay, theo ông Lê Tiến Châu, phải khẳng định vai trò rất quan trọng của các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, như Tổ hợp khu công nghiệp Deep C, Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, Nomura, Tràng Duệ…

"Đặc biệt, tôi ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Ban Quản lý Khu kinh tế trong công tác, tham mưu, triển khai, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đàm phán, ký kết các biên bản hợp tác với các nhà đầu tư và khẳng định vai trò động lực của khu kinh tế đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh của thành phố Hải Phòng", Bí thư Thành uỷ chia sẻ.

Đồng thời, ông Lê Tiến Châu yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục củng cố phát huy vai trò là đầu tàu, động lực chủ yếu trong dẫn dắt, định hướng phát triển của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện tại, phối hợp với các sở ngành có liên quan nỗ lực hơn nữa trong thực hiện chiến lược trọng tâm của Hải Phòng, đó là thành lập khu kinh tế Nam Hải Phòng.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, UBND TP. Hải Phòng mong muốn doanh nghiệp tăng cường phối hợp hơn nữa với ban quản lý khu kinh tế, các quận huyện, khẩn trương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện quy hoạch, sớm tạo quỹ đất để đón các nhà đầu tư.

Đối với các nhà đầu tư thứ cấp, UBND Thành phố nhanh chóng triển khai dự án, hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, đề ra các chính sách quan tâm đến người lao động.

Minh Ngọc